Anh Cristian hóa trị vùng hầu họng từ năm 2013 đến 2015. Anh còn điều trị suy giáp và nội soi vá dạ dày. Kết hôn 6 năm không con, anh được bác sĩ Rumani chẩn đoán vô sinh do không có tinh trùng trong tinh dịch.
Nhân về Việt Nam đón Tết, chị Trang động viên chồng điều trị hiếm muộn. ThS.BS Dương Quang Huy, Trưởng đơn vị Nam học, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), cho biết sau khi loại bỏ nguyên nhân liên quan gene di truyền, bác sĩ xác định người bệnh bị tổn thương tinh hoàn do hóa trị, dẫn đến suy giảm sản xuất tinh trùng, gây vô sinh.
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn lên các tế bào có tốc độ phát triển nhanh khác, như làm hỏng tinh trùng và tế bào hình thành tinh trùng (tế bào mầm), phá hủy các hormone sinh sản như testosterone...
Bác sĩ Huy cho biết hóa trị có thể làm giảm sản xuất tinh trùng, giảm khả năng vận động và thay đổi cấu trúc di truyền của tinh binh, giảm sản xuất testosterone, dẫn đến rối loạn cương dương. Nếu kết hợp hóa trị và xạ trị, nguy cơ vô sinh nam cao hơn.
Theo y văn, khả năng tìm thấy tinh trùng sau hóa trị khoảng trên 50%. "Trường hợp anh Cristian, tỷ lệ thành công khoảng 53%", bác sĩ Huy nói thêm.
Anh Cristian được vi phẫu tìm tinh trùng trong tinh hoàn micro-TESE. Do anh từng bị ung thư hầu họng, việc đặt nội khí quản gặp khó khăn, ê kíp phối hợp cùng khoa Gây mê hồi sức để đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân.
Bác sĩ Huy mở tinh hoàn bên phải với sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu, nhưng không tìm thấy tinh trùng. Ở bên trái, ê kíp may mắn tìm được 7 tinh trùng, đủ cho chu kỳ thụ tinh ống nghiệm.
Cùng ngày, ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVF Tâm Anh TP HCM, chọc hút noãn cho người vợ. Chị Trang, 35 tuổi, có dấu hiệu suy giảm buồng trứng, chỉ số AMH chỉ còn 0,6 ng/mL. Bác sĩ chỉ thu được 4 noãn đem thụ tinh với tinh trùng trong labo phôi học, tạo được 3 phôi ngày 3. Chị được chuyển một phôi loại tốt và đậu thai, số còn lại trữ đông. Hiện thai kỳ 14 tuần, khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Huy, ảnh hưởng của thuốc hóa trị ung thư với khả năng sinh sản nam giới tùy vào độ tuổi bệnh nhân, loại thuốc và liều lượng sử dụng. Liều càng cao thì khả năng vô sinh càng cao. Tác động của thuốc có thể tạm thời hoặc lâu dài. Nếu các tế bào tinh hoàn bị tổn thương quá nặng, không thể sản xuất tinh trùng trưởng thành và khỏe mạnh, bệnh nhân có thể vô sinh vĩnh viễn.
Ngoài hóa trị, xạ trị tới các cơ quan sinh sản, gần vùng bụng, xương chậu hoặc cột sống cũng có thể làm giảm số lượng tinh trùng và nồng độ testosterone, phá hủy các tế bào tinh trùng và tế bào mầm, gây vô sinh. Xạ trị lên não có thể làm tổn thương tuyến yên, giảm sản xuất testosterone và tinh trùng.
Ngay cả biện pháp phẫu thuật điều trị ung thư cơ quan sinh sản và ung thư vùng chậu (như ung thư bàng quang, ruột kết, tuyến tiền liệt và trực tràng) cũng có thể làm tổn thương các cơ quan này, các dây thần kinh hoặc hạch bạch huyết gần đó, dẫn đến vô sinh.
Theo bác sĩ Huy, bệnh nhân ung thư cần được tư vấn bảo tồn khả năng sinh sản trước khi bước vào quá trình điều trị, như trữ đông tinh trùng, trữ mô giao tử tinh hoàn ở nam giới, hay trữ đông trứng, trữ mô buồng trứng ở phụ nữ. Bệnh nhân nên chọn các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn, uy tín, có kỹ thuật trữ rã cao cấp và trang thiết bị hiện đại để đảm bảo chất lượng tinh trùng, trứng đủ điều kiện thụ tinh về sau.
Năm 2023, IVF Tâm Anh trữ tinh trùng cho hơn 10 bệnh nhân nam bị ung thư, trong đó có trường hợp bé trai 14 tuổi bị ung thư xương.
Đăng Khoa
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |