Chị Loan (Bình Phước) kết hôn 8 năm trước nhưng mãi không có tin vui. Thời điểm đó, chị gái của chị Loan đi khám, bác sĩ chẩn đoán vô sinh do lạc nội mạc tử cung, ứ dịch vòi trứng. Nhiều người ở quê đoán già đoán non rằng chị Loan cũng bị vô sinh.
Chị đến bệnh viện ở TP HCM khám năm 2017, kết quả cho thấy chức năng sinh sản bình thường. Chị nghĩ mình thuộc nhóm vô sinh không rõ nguyên nhân. Bác sĩ tư vấn làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng chị từ chối, về nhà điều trị bằng thuốc đông y, mong có con tự nhiên.
Chị uống thuốc bắc, thuốc nam trong 4 năm vẫn chưa có tin vui. Kết quả khám lại ở hai bệnh viện lớn không có bất thường. Lo lắng lớn tuổi, sinh nở gặp nhiều khó khăn, chị thuyết phục chồng làm IVF.
Hai vợ chồng đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC) thăm khám năm 2021. Xem các kết quả khám, xét nghiệm cũ, BS.CKII Vũ Nhật Khang nghi ngờ nguyên nhân vô sinh không đến từ người vợ. Sau khi bác sĩ tư vấn, anh Quang, chồng chị, đồng ý xét nghiệm tinh dịch đồ, phát hiện không có tinh trùng trong tinh dịch.
"Hai vợ chồng đều ngỡ ngàng, vì lâu nay nghĩ do tôi vô sinh", chị Loan nói.
Anh Quang được phẫu thuật để chẩn đoán căn nguyên, kết quả cho thấy bị bất sản ống dẫn tinh bẩm sinh. Trong cuộc phẫu thuật, các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật vi phẫu trích tinh trùng từ mào tinh (MESA), chỉ tìm được vài "tinh binh" di động.
Anh tiếp tục được thực hiện kỹ thuật micro-TESE (phẫu thuật tìm tinh trùng) do số lượng tinh trùng ít, chưa đảm bảo cho chu kỳ IVF. Dưới kính vi phẫu có độ phóng đại cao, các bác sĩ thu được số tinh trùng nhiều hơn và đem trữ lạnh.
Trước đây, các bác sĩ sẽ phẫu thuật, sinh thiết tinh hoàn, lấy tinh trùng để chẩn đoán, không trữ lạnh. Sau chẩn đoán, bệnh nhân làm IVF cần trải qua thêm cuộc mổ khác để trích tinh trùng. Hiện, kỹ thuật trữ tinh trùng số lượng ít giúp bệnh nhân như anh Quang giảm thiểu số lần mổ, tăng tỷ lệ IVF thành công.
Người vợ được kích thích buồng trứng nhẹ, chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện. Chị chuyển phôi lần thứ hai thành công, hiện thai nhi 22 tuần, phát triển khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Khang, bất sản ống dẫn tinh bẩm sinh là một dạng vô tinh bế tắc dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở nam giới. Thông thường, sau khi tinh trùng được sản xuất tại tinh hoàn sẽ nằm tại mào tinh và được hệ thống ống dẫn tinh dẫn về túi tinh. Trường hợp bệnh nhân trên không có ống dẫn tinh, khi quan hệ vợ chồng chỉ xuất ra dịch, không có tinh trùng. Ống dẫn tinh rất nhỏ. Hiện chưa có kỹ thuật nào sửa chữa được khiếm khuyết này và muốn có con phải thực hiện IVF.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy có 40% trường hợp vô sinh hiếm muộn đến từ phụ nữ, 40% từ nam giới và 20% chưa rõ nguyên nhân. Bác sĩ Khang lưu ý các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nên khám toàn diện cả vợ lẫn chồng để xác định nguyên nhân chính xác và điều trị hiệu quả.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.