Chị Thương kết hôn hai năm không có con, uống nhiều thuốc Đông Tây y không hiệu quả, đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) khám. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lệ Thủy, Trung tâm IVF Tâm Anh, cho biết sức khỏe người chồng bình thường, còn người vợ bị rối loạn kinh nguyệt, chụp X-quang cho thấy buồng tử cung ngấm thuốc không đều, bờ tử cung nham nhở. Bác sĩ kết luận chị Thương bị dính buồng tử cung, rối loạn phóng noãn sau mắc bệnh lao dẫn đến vô sinh.
Bệnh lao chủ yếu được biết đến với các biểu hiện ở đường hô hấp. Theo bác sĩ Thủy, thực tế, vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis có thể lây lan qua đường máu, hạch bạch huyết, từ phổi đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể bao gồm hệ thống sinh sản, gây bệnh lao sinh dục (FGTB). Vi khuẩn lao có thể gây viêm nhiễm và tạo sẹo dính ở ống dẫn trứng, nội mạc tử cung, buồng trứng, ít gặp hơn là ở cổ tử cung, âm đạo, âm hộ. Ban đầu tổn thương không rõ ràng, diễn biến âm ỉ, sau đó mới hình thành các vết loét, hoại tử hoặc xuất huyết rồi tạo sẹo gây biến dạng cơ quan sinh sản, ảnh hưởng khả năng thụ thai.
Trường hợp chị Thương, thành tử cung ở hai mặt trước và sau dính lại với nhau, cản trở quá trình làm tổ của trứng đã thụ tinh, gây vô sinh. Nếu có thai, buồng tử cung bị dính cũng mất đi độ đàn hồi tự nhiên, thể tích buồng tử cung giảm, không đủ không gian cho thai nhi phát triển. Theo bác sĩ Lệ Thủy, dính buồng tử cung chiếm khoảng 5% trường hợp vô sinh nữ.
Ngoài ra, một số thuốc chống lao gây suy giáp, làm giảm khả năng sản xuất hormone tuyến giáp. Lúc này, quá trình rụng trứng bị cản trở, gây rối loạn kinh nguyệt. Nồng độ hormone sinh sản sụt giảm, kèm theo tổn thương sẵn có khiến niêm mạc tử cung không đạt độ dày thích hợp để giữ phôi thai, tăng nguy cơ sảy thai. "Khả năng sinh sản ở người bệnh lao sinh dục thấp, chỉ khoảng 19%", bác sĩ Thuỷ nói, thêm rằng bệnh cũng gây nguy cơ thụ tinh ống nghiệm (IVF) thất bại.
Tùy tình trạng, người bệnh có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật nếu tổn thương tạo sẹo ảnh hưởng khả năng sinh sản. Chị Thương được phẫu thuật nội soi tách dính buồng tử cung thành công, sau đó dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nội tiết để cân bằng lượng hormone trong cơ thể. Tuy nhiên, khả năng có thai tự nhiên sau phẫu thuật tách dính không cao. Vợ chồng chị 3 lần thụ tinh nhân tạo (IUI) thất bại nên chuyển sang thụ tinh ống nghiệm.
Chị Thương dùng thuốc kích trứng theo phác đồ cá thể hóa, thu được lượng noãn trưởng thành tối ưu, tạo được 7 phôi ngày 3. Số phôi này tiếp tục được nuôi dưỡng trong tủ cấy time-lapse tích hợp trí tuệ nhân tạo, thu được 4 phôi ngày 5 chất lượng tốt.
Sau quá trình chuẩn bị niêm mạc, chị Thương được bác sĩ chuyển một phôi vào buồng tử cung nhưng không thành công. Tháng 2/2024, chị chuyển phôi lần hai, may mắn đậu thai ngay. Tháng trước, chị sinh con trai khỏe mạnh ở tuần thai 38.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2023, Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy lao sinh dục nữ là trường hợp ít gặp, chiếm 5% trường hợp nhiễm trùng vùng chậu ở phụ nữ và 10% trường hợp lao phổi.
Lao sinh dục nữ có biểu hiện tương tự bệnh viêm vùng chậu mạn tính (PID) như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng dưới, khí hư âm đạo... Bệnh dễ nhầm lẫn với các vấn đề nội tiết, viêm nhiễm phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục, thậm chí ung thư. Một số trường hợp không có triệu chứng khiến việc chẩn đoán khó khăn. Lao sinh dục cũng có thể gặp ở nam giới, gây giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, tắc nghẽn ống dẫn tinh, vô sinh.
Bác sĩ Thủy lưu ý người bệnh lao điều trị hết liệu trình, nghỉ ngơi hợp lý để phục hồi sức khỏe mới nên có kế hoạch sinh con. Phụ nữ mắc lao khi mang thai có thể lây truyền cho thai nhi, gây bệnh lao bẩm sinh ở trẻ, tăng nguy cơ tử vong chu sinh. Sau điều trị lao, nếu có dấu hiệu bất thường ở đường sinh dục hoặc không thể mang thai tự nhiên sau một năm quan hệ đều đặn, vợ chồng nên sớm đi khám sức khỏe sinh sản. Các kỹ thuật hiện đại như nuôi cấy phôi nang, sàng lọc di truyền phôi tiền làm tổ (PGT), vi phẫu tìm tinh trùng (micro-TESE), xét nghiệm cửa sổ làm tổ (ERA Test), bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP)... có thể giúp vợ chồng vô sinh hiếm muộn sau mắc bệnh lao tăng khả năng thụ thai và sinh con khỏe mạnh.
Để phòng bệnh lao sinh dục, mọi người cần tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Khi trong nhà có người mắc bệnh, cần sinh hoạt và cách ly đúng cách. Xây dựng chế độ dinh dưỡng và tập luyện khoa học, tránh bia rượu, chất kích thích, tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch cũng là cách tăng cường sức khỏe tổng thể, phòng bệnh hiệu quả.
Trịnh Mai
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |