Một ngày cuối tháng 3, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) đón những vị khách đặc biệt từ Nhật Bản. Không gian phòng khám rộn ràng hơn bởi tiếng cười của hai bé trai sinh đôi, cũng là "hạt mầm" được gieo nên từ chính nơi này cách đây 3 năm.
Gặp lại Phó Giáo sư Lê Hoàng, Giám đốc IVF Tâm Anh và cũng là bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình, chị Nishimura cùng chồng không giấu được xúc động. "Từng thăm khám nhiều nơi tại Nhật Bản, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày gia đình lại tìm được con tại nơi đất khách", chị nói.
Lập gia đình năm 27 tuổi, chị Nishimura cùng chồng là anh Shougo sớm mang thai con đầu lòng, nhưng niềm vui nhanh qua khi chị bị sảy thai. Mong muốn làm mẹ thôi thúc gia đình chị tìm đến nhiều bệnh viện nhưng kết quả đều không khả quan do vô sinh không rõ nguyên nhân khiến chị bị mất phương hướng và không xác định được phương pháp can thiệp phù hợp. Cứ thế, 7 năm sau gia đình nhỏ vẫn vắng tiếng trẻ thơ.
"Tôi từng phát hiện khối u buồng trứng từ rất sớm, khi mới 19 tuổi và phải phẫu thuật can thiệp. Kết quả điều trị lúc đó khả quan nên tôi cũng không nghĩ ngợi nhiều, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng hành trình tìm con của tôi lại kéo dài như vậy", chị Nishimura chia sẻ.
Năm 2017, trong đợt công tác ngắn hạn tại Việt Nam, anh Shougo có cơ hội biết tới IVF Tâm Anh đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp hiếm muộn lâu năm. Anh và vợ tìm hiểu rồi quyết định sang Việt Nam điều trị hiếm muộn.
Bác sĩ Lê Hoàng cho hay kết quả kiểm tra chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) của người vợ chỉ còn 1,6 ng/mL, thấp hơn ngưỡng tham chiếu 2,0 - 6,8 ng/mL. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình chị khó có con tự nhiên. Kết hợp với độ tuổi của hai vợ chồng đều trên 35, chất lượng nang trứng và tinh trùng bắt đầu suy giảm, bác sĩ tư vấn họ sớm thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), không nên trì hoãn điều trị để đảm bảo tỷ lệ thành công cao.
Hai tuần sau, chị Nishimura bắt đầu được kích trứng loại thuốc một mũi tiêm thay cho 7 mũi tiêm kích trứng hàng ngày, phù hợp với những cặp vợ chồng bận rộn không có nhiều thời gian, khó khăn trong việc di chuyển thường xuyên tới viện hoặc có rào cản về ngôn ngữ khó thực hiện chính xác theo hướng dẫn.
Kết quả chọc hút lần đầu chỉ thu được một noãn và tạo thành công một phôi tốt ngày 6. Chị được chuyển phôi tươi và đậu thai ngay trong chu kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, khi trở về nước, chị bàng hoàng khi phát hiện thai phát triển ngoài tử cung buộc phải bỏ.
Không mất hy vọng, gần một năm sau, đôi vợ chồng quay trở lại Việt Nam lần nữa. Chị Nishimura tiếp tục được kích trứng và chọc hút noãn, tuy nhiên kết quả sàng lọc chất lượng phôi không đạt, không có phôi chuyển trong chu kỳ này.
Ở lần IVF thứ ba, bác sĩ Lê Hoàng tư vấn chị chuyển qua phác đồ kích trứng theo phác đồ khác và thu được 5 phôi ngày 5. Do niêm mạc mỏng, phải chờ đến chu kỳ tiếp theo, chị Nishimura mới được chuyển phôi và may mắn đã mỉm cười khi chị mang song thai.
Do đã lớn tuổi, có nhiều rủi ro, đôi vợ chồng ở lại Việt Nam theo dõi thai ổn định tới tuần 18 mới trở về nước. Hai bé trai khỏe mạnh và lanh lợi đã chào đời tại Nhật Bản vào cuối tháng 6/2020.
Trở lại lần này, gia đình chị Nishimura cho hay có ý định gắn bó lâu dài với Việt Nam.
"Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ và để các con gặp được những người cha, người mẹ đặc biệt đã đưa hai con đến vợ chồng tôi. Chúng tôi cũng mong muốn có thêm thành viên mới cho gia đình và sẽ tiếp tục đặt niềm tin tại Tâm Anh", chị Nishimura nói.
Khuê Lâm