Chị Hoa, 42 tuổi, tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCM), khi đã hiếm muộn gần 10 năm, cắt cả 2 bên ống dẫn trứng. Bệnh nhân mắc bệnh lý viêm nội mạc tử cung, cơ địa dị ứng khiến 10 lần chuyển phôi trước đó ở các bệnh viện lớn đều thất bại.
ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCM, quyết định áp dụng phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ cho bệnh nhân, tạo được 3 phôi ngày 5 để thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF). Chị Hoa thụ thai thành công ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên, sinh con khỏe mạnh.
Một trường hợp IVF thành công khác là Hưng (30 tuổi) và vợ là Hà (32 tuổi), vô sinh do chồng vô tinh và vợ suy buồng trứng sớm. Hưng được mổ tìm kiếm tinh trùng bằng phương pháp micro-TESE, tìm được 5 tinh trùng khỏe mạnh, trữ đông bằng kỹ thuật thủy tinh hóa. Hà được kích và gom noãn, thụ tinh tạo được 3 phôi. Sau 6 tháng điều trị hiếm muộn, đôi vợ chồng đã thực hiện được ước mơ làm cha mẹ.
Bác sĩ Như cho biết, những trường hợp như lớn tuổi, ít trứng, không có tinh trùng, đặc biệt là thất bại làm tổ nhiều lần như trên rất khó có con.
"Nếu như trước đây, khi kỹ thuật IVF còn ở mức độ sơ khai, những trường hợp đó gần như không có hy vọng, thì hiện nay với sự 'thay da đổi thịt' của ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam, nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn lâu năm, mắc các bệnh lý phức tạp vẫn có thể đón con khỏe mạnh chào đời", bác sĩ Như nói.
Theo một ước tính được công bố tại Hội nghị Quốc tế về Hiếm muộn vừa được tổ chức tại Sydney, Australia, trên thế giới có 8 triệu trẻ sơ sinh đã được sinh ra bằng IVF. Còn tại Việt Nam, kể từ khi "em bé ống nghiệm" đầu tiên chào đời vào ngày 30/4/1998, đã có hơn 40.000 trẻ ra đời từ kỹ thuật hiện đại này. Các số liệu cho thấy sức khỏe cũng trí tuệ của các trẻ được sinh ra từ IVF tương đương với em bé từ thai tự nhiên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng 4 cảnh báo, hiện nay cứ 6 người trên thế giới thì có một người bị vô sinh và đây là một thách thức đối với y tế toàn cầu, ảnh hưởng tới hàng triệu người. WHO cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và kêu gọi các nước đưa điều trị vô sinh vào các chính sách, dịch vụ về sức khỏe sinh sản.
Trong bối cảnh tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng và trẻ hóa, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.
"May mắn rằng đến thời điểm này, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã có bước phát triển rất lớn, mang lại cơ hội có con cho tất cả bệnh nhân hiếm muộn", bác sĩ Như cho hay.
Cả nước hiện có gần 50 Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, áp dụng nhiều kỹ thuật điều trị hiện đại trên thế giới. Ví dụ tại hệ thống phòng lab của IVFTA, các chuyên gia phôi học có thể thực hiện được tất cả kỹ thuật cao cấp phục vụ quá trình hỗ trợ sinh sản như: nuôi trưởng thành noãn non trong ống nghiệm (IVM), đông lạnh và lưu trữ tinh trùng/noãn số lượng ít, hỗ trợ phôi thoát màng (AH), xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT), nuôi cấy phôi bằng hệ thống Time-lapse, kỹ thuật điều trị với trường hợp tinh trùng có phân mảnh DNA, ứng dụng phác đồ kích thích nhẹ buồng trứng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nuôi phôi, ứng dụng bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP)... Ngoài ra, còn phối hợp với đơn vị Nam học để điều trị vô sinh nam, thực hiện các kỹ thuật khác như vi phẫu micro-TESE chọc hút tinh trùng từ mào tinh, kỹ thuật trữ tinh trùng, trữ trứng số lượng ít...
Bác sĩ Như cho biết, trữ trứng là kỹ thuật phức tạp không phải trung tâm nào trên thế giới cũng có thể làm được. Vì tế bào trứng là tế bào lớn nhất trong cơ thể người và 99% là nước. Tế bào nào càng nhiều nước, việc trữ đông càng khó khăn vì dễ bị chết khi trữ hoặc khi rã đông. Tuy nhiên, các chuyên gia phôi học Việt Nam có thể trữ trứng số lượng ít cho nhiều bệnh nhân suy buồng trứng sớm, giảm dự trữ buồng trứng...
Để thực hiện được các kỹ thuật khó này, cần có phòng nuôi cấy phôi đạt chuẩn ISO 5 bên trong phòng thao tác giao tử và phôi ISO 6. Thiết kế phòng labo bên trong phòng labo (lab-in-a-lab) là thiết kế đầu tiên trên thế giới được ứng dụng vào việc nuôi cấy phôi và giao tử. Tỷ lệ thành công sau chuyển phôi đạt 70% với phôi ngày 5, nuôi trong tủ nuôi phôi timelapse, AI và sinh thiết đánh giá di truyền không có bất thường.
"Hiện giờ chúng ra cũng có thể tự hào rằng thế giới làm được cái gì chúng ta đã làm được cái đó và thậm chí còn làm tốt hơn thế nữa. Những kỹ thuật mà trước đây người bệnh phải ra nước ngoài để thực hiện thì nay có thể thực hiện ngay tại Việt Nam", bác sĩ Như nói.
Vào ngày cao điểm ThS.BS Giang Huỳnh Như khám gần 70 ca bệnh, trong đó hơn 10 ca là người nước ngoài, Việt kiều đang sinh sống ở các nước như: Nhật Bản, Mỹ, Singapore. Thậm chí có trường hợp đến từ Australia, nơi được coi là "cường quốc" của ngành hỗ trợ sinh sản.
"Chúng tôi vui mừng vì Việt Nam đã xuất hiện trên bản đồ ngành điều trị hiếm muộn trên thế giới với rất nhiều chuyên gia giỏi, nhiều nghiên cứu tầm cỡ quốc tế được công nhận, đầu tư mạnh về trang thiết bị máy móc, tỷ lệ IVF thành công cao. Chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ sinh sản ngày càng cao của người dân trong và ngoài nước", bác sĩ Như nhấn mạnh.
Trước xu hướng khách nước ngoài, Việt kiều về Việt Nam điều trị hiếm muộn ngày càng lớn, tháng 4/2023, IVFTA-HCMC quyết định mở thêm khu khám Hiếm muộn VIP, nhằm tối ưu thời gian và hiệu quả điều trị. Khu khám Hiếm muộn VIP tại BVĐK Tâm Anh TP HCM hoạt động từ 7 - 16h các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy. Khách hàng đăng ký khám bệnh bằng cách: |
Hoài Thương