Trả lời:
Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị bệnh mũi xoang duy nhất. Nhưng phẫu thuật có thể được lựa chọn khi điều trị nội khoa, tức là điều trị bằng các loại thuốc không đạt hiệu quả. Mục tiêu của phẫu thuật mũi xoang là lấy sạch nang mủ, nấm, polyp, khối u để khôi phục hệ thống dẫn lưu và thanh thải chất nhầy, đồng thời làm thông thoáng các xoang.
Phẫu thuật thường được các bác sĩ cân nhắc cho các trường hợp viêm xoang do nấm, polyp, u mũi xoang... Những người bị viêm xoang có bất thường cấu trúc mũi như vẹo vách ngăn mũi, khí hóa cuốn mũi (cuốn mũi quá phát tạo thành bóng khí bên trong) gây tắc nghẽn khe mũi xoang nhiều, cũng có thể lựa chọn điều trị bằng phẫu thuật mũi xoang.
Nếu tình trạng viêm xoang của bạn ở mức độ nhẹ, chưa xảy ra biến chứng nặng thì nên điều trị bằng các loại thuốc. Điều trị bằng thuốc kháng viêm xịt mũi kéo dài 4-8 tuần, nhất là đối với viêm xoang mạn tính có polyp mũi xoang hoặc điều trị bằng một đợt ngắn thuốc kháng viêm đường uống nếu dùng thuốc xịt mũi không cải thiện sau 8-12 tuần.
Thuốc kháng sinh có thể được dùng trong thời gian kéo dài 3 tuần. Thuốc đối kháng leukotriene cũng có thể được xem xét tùy trường hợp. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc kháng histamin nếu nghi ngờ có thành phần gây dị ứng. Ngoài ra, xịt rửa bằng nước muối sinh lý hàng ngày cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm xoang tốt hơn.
Điều trị viêm xoang bằng thuốc cần có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc tự điều trị vì có thể gây phản tác dụng, khiến cho bệnh nghiêm trọng hơn. Người bệnh cũng cần sử dụng thuốc đúng liều lượng mới phát huy hiệu quả và tái khám theo lịch hẹn.
Bệnh nhân viêm xoang không nên điều trị bằng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng. Nhỏ các loại nước giã từ thực vật vào mũi có thể dẫn đến nhiễm trùng, làm cho bệnh mũi xoang tiến triển nặng hơn.
Khi các xoang bị viêm không được kiểm soát tốt, nhiễm trùng dễ lây lan sang các vùng lân cận. Nhiễm trùng xâm lấn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới thị lực, thính lực, thần kinh và đe dọa tính mạng người bệnh. Khi gặp các triệu chứng như mắt hoặc hốc mắt đỏ và sưng tấy; đau khi cử động mắt; sụp mí mắt; sưng nề vùng trán; đau đầu dữ dội; sốt cao lạnh run..., người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh, truyền nhiễm, trang bị máy móc hiện đại để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM