Trả lời:
Nước muối có tác dụng sát khuẩn, sát trùng, giảm viêm, góp phần làm sạch vùng miệng, họng. Nước muối sinh lý thường rất an toàn, có thể sử dụng mỗi ngày, trong thời gian dài. Thói quen súc họng bằng nước muối rất tốt nhưng bạn cần thực hiện đúng cách. Bạn nên chú ý số lần và loại nước muối để sử dụng.
Bạn không nói rõ là dùng nước muối tự pha hay nước muối sinh lý có bán tại các nhà thuốc. Thông thường, nếu tự pha nước muối thì bạn dùng khoảng 1/2 thìa cà phê muối cho vào một cốc nước ấm sạch (khoảng 250 ml). Tuy nhiên, muối tự pha tại nhà có thể khó đạt được nồng độ phù hợp, không sạch. Trường hợp bạn pha quá mặn có thể ảnh hưởng đến độ pH, hệ vi khuẩn trong miệng, dễ gây khô và rát cổ họng. Ngược lại, nước muối pha quá nhạt có thể không đạt được tác dụng kháng khuẩn, làm sạch vùng họng.
Nếu bạn không pha nước muối mà đang dùng nước muối sinh lý natri clorid 0,9% (tức là trong 100 ml dung dịch có 0,9 gram muối) thì có thể yên tâm về nồng độ. Điều bạn cần chú ý là số lần súc họng, nên súc họng 2-3 lần mỗi ngày, không nên từ 5 lần trở lên mỗi ngày. Khi bạn pha nước muối quá mặn, cộng thêm súc họng nhiều lần có thể khiến cổ họng khô, rát, thậm chí có thể gây trầy xước, tổn thương vùng họng. Điều này còn có thể ảnh hưởng không tốt cho amidan, nhất là khi bạn thường xuyên bị viêm amidan.
Để súc họng đúng cách, bạn ngậm khoảng 5-10 ml (không nên quá nhiều) và cố gắng đưa nước muối càng sâu đến vùng sau họng càng tốt. Bạn khò trong khoảng 30 giây, sau đó ngậm miệng lại, đảo nước muối trong miệng vài lần rồi nhổ ra ngoài. Thực hiện lại quy trình này vài lần.
Sau cùng, bạn nên súc lại bằng nước sạch để các mảng bám còn sót lại được thoát ra ngoài. Súc họng bằng nước muối nên thực hiện sau khi đánh răng, tránh làm ngược lại nhằm ngăn các vi khuẩn bám ở răng chưa được làm sạch sẽ dễ xuống vùng họng. Sau khi súc miệng, bạn nên uống nhiều nước, tránh để cổ họng khô rát. Nếu thực hiện đúng cách, việc súc họng bằng nước muối sinh lý có thể giúp giảm các vi khuẩn, virus sinh sôi ở vùng hầu họng và tiến vào sâu hơn để tấn công đường hô hấp; đồng thời giảm đau, sưng viêm họng. Vệ sinh sạch sẽ vùng miệng và họng cũng có thể giảm đau họng, viêm hoặc tái phát amidan.
Ngoài việc giữ vệ sinh răng miệng, với tình trạng viêm amidan thường xuyên, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ theo dõi có cần phải can thiệp như cắt bỏ amidan hay không. Trường hợp amidan sưng to, tái phát nhiều lần trong năm, có mủ,... bác sĩ có thể chỉ định can thiệp phù hợp. Nếu bạn đã cắt amidan trước đây nhưng vẫn tái phát, gây sưng đau thì nên thăm khám sớm để được bác sĩ kiểm tra và xử trí.
ThS.BS Phạm Thái Duy
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM