Tuyến giáp là cơ quan có hình cánh bướm nằm trước cổ. Viêm giáp Hashimoto là tình trạng viêm tuyến giáp mạn tính do rối loạn miễn dịch. Khi phụ nữ mắc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, kháng thể tấn công phá hủy các tế bào tuyến giáp, làm cơ quan này hoạt động kém, dẫn đến suy giáp, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, khó thụ thai. Triệu chứng của bệnh gồm cơ thể mệt mỏi, chuột rút, táo bón nặng, khả năng tập trung kém, trí nhớ giảm sút, dễ cảm thấy lạnh.
BS.CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm tuyến giáp Hashimoto tăng nguy cơ cao mắc hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ, làm nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và rụng, giảm khả năng thụ thai. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang còn có nguy cơ cao mắc các bệnh như tiểu đường type 2, cao huyết áp và ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Ngân cho biết người bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể gây ra một số vấn đề trong thai kỳ, ảnh hưởng thai phụ và thai nhi.
Tiền sản giật: Viêm tuyến giáp Hashimoto khiến thai phụ dễ tăng huyết áp, thường xảy ra vào cuối thai kỳ. Thai phụ bị tiền sản giật nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con, nguy cơ sinh non, thai chết lưu.
Triệu chứng tiền sản giật thường gặp ở phụ nữ như sưng ở mặt và tay, đau đầu, mờ mắt, đau bụng bên phải, hàm lượng protein trong nước tiểu cao. Điều trị tiền sản giật nên được thực hiện sớm, từ tuần thai 12-28, lý tưởng nhất là trước tuần thứ 16.

Bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám cho người bệnh. Ảnh: Đinh Tiên
Thiếu máu: Tình trạng này có thể do thiếu hụt sắt hoặc hồng cầu, phổ biến ở phụ nữ mang thai. Bác sĩ thường khuyên thai phụ bổ sung sắt thông qua chế độ dinh dưỡng giàu sắt và vitamin. Tuy nhiên, ở người bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, quá trình trao đổi chất chậm cũng ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hồng cầu, dẫn đến thiếu máu nặng.
Bác sĩ Thùy Ngân cho biết khoảng 45-65% trường hợp suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto có biểu hiện thiếu máu. Thai phụ thường nhợt nhạt, mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, nhịp tim rối loạn, khó tập trung...
Nếu không bổ sung chất sắt, hệ miễn dịch của thai phụ suy giảm ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, tăng nguy cơ mất máu khi chuyển dạ, khả năng trẻ sinh non, nhẹ cân.
Sẩy thai: Thai phụ mắc bệnh này dễ sẩy thai hơn do mất cân bằng hormone tuyến giáp, rối loạn chức năng miễn dịch. Bào thai có thể bị kháng thể tấn công nhầm dẫn đến sẩy thai. Để phòng tránh nguy cơ, phụ nữ nên điều trị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto trước khi mang thai.
Nhau bong non: Nhờ nhau thai, các chất dinh dưỡng, oxy từ người mẹ vận chuyển để cung cấp, nuôi dưỡng sự sống cho thai nhi. Nhau thai bong non là tình trạng nhau thai tách ra khỏi tử cung trước sinh, thường gặp trong tam cá nguyện thứ ba, tức khoảng tuần 29-40 của thai kỳ.
Theo bác sĩ Ngân, khi nhau thai bong non, dưỡng chất và oxy không thể đưa đến cho thai nhi, dẫn đến sinh non, thậm chí thai chết lưu. Nhau bong non có thể khiến người mẹ mất nhiều máu khi sinh con, đe dọa tính mạng cả hai mẹ con. Một số trường hợp còn dẫn đến biến chứng băng huyết sau sinh.
Phụ nữ mắc bệnh này cần được theo dõi nồng độ hormone kích thích tuyến giáp, nhất là khi phải tăng liều dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.
Mang thai không làm bệnh này nặng hơn, do đó, phụ nữ cần duy trì thuốc điều trị như trước khi mang thai. Nữ giới nên đến bác sĩ khám nếu có dấu hiệu bất thường như dễ nổi nóng, lo lắng, cơ thể yếu, khó chịu được nhiệt độ cao, tay chân run, tim đập nhanh và loạn nhịp, tâm trạng thất thường, tiêu chảy, bướu cổ gây khó thở, khó nuốt.
Bác sĩ Ngân khuyến khích phụ nữ khám tầm soát các bệnh về tuyến giáp trước khi có ý định mang thai để có kế hoạch điều trị phù hợp, tránh biến chứng.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi về các bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để được bác sĩ giải đáp. |