BS.CKI Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, viêm tụy cấp là rối loạn nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong 5-15%, tùy thuộc vào nguyên nhân, tuổi tác và bệnh đi kèm. Nhưng nhìn chung, viêm tụy cấp do sỏi mật có xu hướng tử vong cao hơn so với viêm tụy cấp do rượu. Các bệnh đi kèm như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì... cũng làm gia tăng đáng kể nguy cơ biến chứng và tử vong ở người bệnh viêm tụy cấp. Hầu hết, các trường hợp tử vong là do suy đa cơ quan và hoại tử tụy nhiễm trùng.
Các triệu chứng viêm tụy cấp có thể khác nhau tùy thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ nhưng thường gặp nhất bao gồm đau bụng trên, đau bụng lan ra sau lưng, sốt, mạch nhanh, buồn nôn hoặc nôn mửa, chướng bụng, ăn uống kém.
Biến chứng thường gặp
Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm (sưng) đột ngột trong một thời gian ngắn. Viêm tụy cấp có thể điều trị khỏi nhưng cũng có nhiều trường hợp gặp phải các biến chứng nặng hoặc tử vong. Bệnh viêm tụy có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Suy thận: viêm tụy cấp có thể gây suy thận nặng thậm chí đôi khi cần phải lọc máu.
Tổn thương phổi: viêm tụy cấp gây ra những thay đổi hóa sinh trong cơ thể, ảnh hưởng đến trao đổi khí tại phổi gây giảm ôxy máu.
Nhiễm trùng: biến chứng nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao là viêm tụy hoại tử nhiễm trùng.
Nang giả tụy: viêm tụy cấp có thể khiến chất lỏng và các mảnh vụn tích tụ trong các túi giống như nang trong tuyến tụy. Một nang giả lớn vỡ ra có thể gây ra các biến chứng như chảy máu và nhiễm trùng.
Suy dinh dưỡng: khi bị viêm, tuyến tụy sẽ sản xuất các enzym cần thiết ít hơn. Điều này có thể khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy và giảm cân.
Viêm tụy mạn tính: viêm tụy cấp lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến viêm tụy mạn tính. Viêm tụy mạn tính gây hại cho các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường hoặc nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Các yếu tố gây nguy cơ gây viêm tụy cấp
Bác sĩ Trung chia sẻ, các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng viêm tụy cấp như sỏi mật, rượu, dùng một số loại thuốc, bệnh mỡ máu (tăng triglyceride máu), nồng độ canxi trong máu cao (tăng canxi huyết), có thể do tuyến cận giáp hoạt động quá mức (cường cận giáp), bệnh ung thư tuyến tụy, phẫu thuật bụng, bệnh xơ nang, tổn thương vùng bụng.
Béo phì, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người mắc bệnh viêm tụy, dị tật bẩm sinh (tuyến tụy hình khuyên), rối loạn di truyền, nhiễm ký sinh trùng, virus, vi khuẩn... cũng là yếu tố nguy cơ gây ra căn bệnh này. Đôi khi, viêm tụy không rõ nguyên nhân, được gọi là viêm tụy vô căn.
Để chẩn đoán viêm tụy cấp, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp như xét nghiệm, siêu âm, X-quang phổi, chụp CT... Bệnh nhân được giảm đau, bù dịch, điều trị bằng thuốc kháng sinh... để điều trị bệnh. Bác sĩ Trung khuyến cáo chỉ nên dùng kháng sinh để điều trị viêm tụy cấp trong trường hợp có bằng chứng về nhiễm trùng. Bởi vì dùng kháng sinh nếu không đúng chỉ định, ngoài vấn đề chi phí có thể làm chậm và giảm lượng dịch truyền cần thiết của người bệnh, nhất là trong 24-48 giờ đầu sau khi nhập viện.
Xử trí viêm tụy cấp còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh. Nếu viêm tụy cấp do sỏi mật thì người bệnh nên được lên kế hoạch cắt túi mật sớm, thậm chí trước khi xuất viện ở bệnh nhân viêm tụy cấp nhẹ do sỏi mật. Trường hợp viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu thì bác sĩ điều trị sẽ nhắm đến việc làm giảm và duy trì nồng độ triglycerid xuống dưới 500 mg/dL.
Để phòng ngừa nguy cơ bị viêm tụy cấp, người trưởng thành nên sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá trong mức độ cho phép. Ăn uống khoa học, vệ sinh với chế độ ăn nhạt để tránh bị sỏi mật, vì sỏi mật là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra viêm tụy cấp. Những người mắc bệnh đái tháo đường, mỡ máu, sỏi mật... nên thăm khám định kỳ để quản lý tốt bệnh nền, tránh để biến chứng gây viêm tụy cấp.
Các triệu chứng viêm tụy cấp có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ nhưng thường gặp nhất bao gồm đau bụng trên, đau bụng lan ra sau lưng, sốt, mạch nhanh, buồn nôn hoặc nôn mửa, chướng bụng, ăn uống kém.
Phạm Quỳnh Phương