ThS.BS Nguyễn Đức Minh, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết vào mùa xuân, tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng tăng lên do vào tháng 2, tháng 3 cây cối bắt đầu phát phấn hoa. Nhu cầu cắm hoa trang trí, dạo chơi các vườn hoa trong mùa xuân tiềm ẩn nhiều nguy cơ khởi phát bệnh. Không khí lạnh vào thời điểm này tạo điều kiện thuận lợi cho phấn hoa phát tán trong không khí dễ dàng bay vào mắt, mũi gây ra dị ứng.
Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể ngay lập tức kích hoạt để chống lại các tác nhân này và mũi là cơ quan chính tiếp nhận phản ứng phòng vệ.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng thường giống với cảm lạnh, như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa, đau hoặc ngứa cổ họng, chảy nước mắt nên rất dễ nhầm lẫn. Một số người có thể gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn như khó thở và cảm giác nặng nề trong ngực. Trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài, dễ ảnh hưởng đến khứu giác (giảm hoặc mất khả năng nhận biết mùi tạm thời) hoặc ngủ ngáy do viêm phù nề niêm mạc họng, thanh quản hoặc viêm amidan quá phát.
Theo bác sĩ Minh, nhiều người lầm tưởng các triệu chứng của viêm mũi dị ứng là cảm, sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, làm nặng thêm các triệu chứng dị ứng. Có trường hợp lạm dụng các loại thuốc xịt mũi có tác dụng làm co mạch tại chỗ, dẫn đến suy yếu niêm mạc mũi khiến bệnh nặng hơn.
Như chị Duyên, 23 tuổi, ngụ Hà Nội, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa cổ họng, chảy nước mắt hơn hai tuần, tự chữa tại nhà bằng thuốc cảm cúm, xông mũi họng bằng tinh dầu sả gừng nhưng tình trạng không giảm.
Chị Duyên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám, được chẩn đoán viêm mũi dị ứng. Trước đó chị đi dạo chợ hoa xuân với bạn bè, mua hoa ly về cắm nhân dịp Tết.
Bác sĩ Minh cho biết khoảng 20% trong dân số trên thế giới mắc các bệnh dị ứng, trong đó có viêm mũi dị ứng, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Phòng ngừa khởi phát viêm mũi dị ứng và hạn chế biến chứng của bệnh rất quan trọng.
Để phòng dị ứng, mọi người cần tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây ra dị ứng. Những người dễ bị dị ứng với bụi phấn hoa nên tắm gội trước khi đi ngủ để làm sạch hết bụi phấn tích tụ trên người trong ngày. Đóng kín cửa để ngăn không cho bụi và phấn hoa bay vào phòng ngủ; thường xuyên lau chùi bụi trên bàn, ghế, kệ, tủ... sàn nhà.
Khi cần hoạt động ngoài trời, bạn phải đeo khẩu trang để tránh hít phải phấn hoa, hạn chế đến các vườn hoa là nơi dễ phát tán nhiều bụi phấn, bào tử.
Bác sĩ Minh khuyên người có tiền sử bệnh viêm mũi dị ứng không nên nằm máy lạnh, nếu bật phải điều chỉnh nhiệt độ vừa phải. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày nhằm loại bỏ phấn hoa và tạp chất trong mũi, đồng thời duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi.
Thường xuyên vận động, tập thể dục, chơi thể thao nhằm tăng sức đề kháng vì khi sức đề kháng suy giảm, cơ thể nhạy cảm hơn với các tác nhân gây dị ứng.
Viêm mũi dị ứng có thể tự khỏi trong vòng vài ngày. Nếu quá ba ngày tình trạng không giảm, người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa khám, tránh kéo dài, bội nhiễm, nguy hiểm đến sức khỏe. Người bệnh cần theo dõi các biến chứng có thể xảy ra như viêm tai giữa, rối loạn chức năng vòi nhĩ, viêm mũi xoang cấp, viêm mũi xoang mạn.
Trà My
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |