ThS.BS Nguyễn Thùy Linh (khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết khoảng 2 tháng qua, lượng bệnh nhân tới khám tăng đáng kể. Trong đó, nhiều người mắc viêm mũi dị ứng do các tác nhân từ môi trường sống, nghi do tình trạng ô nhiễm không khí.
Chị Mai Thanh (24 tuổi, quận Long Biên) bị hắt hơi liên tục 2 tuần mỗi khi ra khỏi nhà, dù đã đeo khẩu trang. Nghĩ do cảm cúm nên chị tự mua thuốc về uống nhưng tình trạng không cải thiện. Chị được chẩn đoán bị viêm mũi dị ứng.
Tương tự, anh Trí Tùng (34 tuổi, quận Hà Bà Trưng) hắt hơi, nghẹt mũi khoảng hơn một tháng. Các triệu chứng tăng nặng vào đầu giờ chiều, ảnh hưởng nhiều tới công việc. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận có tình trạng dị ứng với yếu tố môi trường.
Anh Tùng cho biết khoảng đầu giờ chiều mỗi ngày, anh thường đến công trường khảo sát. Theo bác sĩ Thùy Linh, khói bụi công trường, cộng với ô nhiễm không khí tăng gần đây có thể làm tăng nặng tình trạng viêm mũi dị ứng do không khí.
Viêm mũi dị ứng gây ra bởi phản ứng quá mẫn cảm do tiếp xúc với chất gây dị ứng. Các triệu chứng bệnh phổ biến gồm chảy nước mũi, ngứa, hắt hơi, tăng phản ứng phế quản hoặc tắc nghẽn luồng khí.
Theo thông tin của Liên Hợp Quốc, ước tính đến năm 2050 có khoảng 68% dân số thế giới sẽ sống ở các trung tâm đô thị. Ô nhiễm không khí ngoài trời ở đô thị là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh về đường hô hấp bao gồm viêm mũi dị ứng không khí, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, mỗi năm số người thiệt mạng do các nguyên nhân bắt đầu từ bụi mịn của Hà Nội gần 5.800 người, chiếm 32% của miền Bắc.
Theo IQ Air, chỉ số chất lượng không khí (gọi tắt là AQI) tại thủ đô Hà Nội từ đầu tháng 4 đến nay hầu hết đều ở mức không lành mạnh. Nồng độ PM2.5 hiện cao gấp 12,2 lần so với tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO. Bụi mịn có hại cho sức khỏe, nhất là nhóm người viêm mũi dị ứng, mắc các bệnh đường hô hấp, người già và trẻ nhỏ
Bác sĩ Thùy Linh chia sẻ với tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, số người mắc viêm mũi xoang dị ứng có thể tiếp tục tăng. Những người đã có bệnh viêm mũi xoang từ trước triệu chứng sẽ càng tăng nặng. Hít phải bụi mịn, các hạt khí thải động cơ diesel từ phương tiện giao thông, nấm mốc trong nhà... là tác nhân chính gây ra các phản ứng dị ứng.
Mỗi người nên bảo vệ mũi miệng bằng cách đeo khẩu trang tiêu chuẩn khi ra khỏi nhà. Tăng cường miễn dịch bằng nhiều cách, trong đó, bổ sung các loại vitamin, nhất là vitamin C rất có lợi cho người bệnh viêm mũi xoang. Uống nhiều nước, vệ sinh nhà cửa, diệt trừ nấm mốc. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi khi ra ngoài trở về nhà. Người già và trẻ em nên hạn chế ra ngoài trời vào các ngày được dự báo ô nhiễm không khí ở mức có hại. Phòng tránh virus gây bệnh đường hô hấp như cúm, phế cầu khiến cơ thể suy yếu và nhạy cảm hơn với các tác nhân dị ứng.

Đeo khẩu trang giúp giảm tác động của khói bụi từ môi trường đến sức khỏe. Ảnh: Freepik
Bác sĩ Thùy Linh khuyến nghị, người có các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, khó thở... kéo dài hơn một tuần không cải thiện nên khám chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị phù hợp. Các triệu chứng kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới công việc, học tập, chất lượng sống mà còn có thể trở thành mạn tính, khó điều trị. Các biến chứng viêm mũi dị ứng từ nhẹ đến nguy hiểm có thể xảy ra nhiều hơn ở người có bệnh nền hen suyễn, người suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Nguyên Phương