Ngày 24/7, ThS.BS.CKII Nguyễn Như Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng viêm mũi dị ứng không nguy hiểm nhưng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm.
Viêm mũi dị ứng do phản ứng của cơ thể khi gặp dị nguyên như bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông thú cưng, ký sinh trùng, khói. Một số thực phẩm như tôm, cua, ốc, tác nhân thời tiết cũng gây viêm mũi dị ứng.
Triệu chứng bệnh gồm cay trong mũi, hắt hơi liên tục, ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt - nước mũi, cảm giác rát bỏng ở họng. Triệu chứng thường xuất hiện nhiều vào sáng sớm và có xu hướng giảm vào chiều tối, kéo dài khoảng vài ngày đến vài tuần. Bệnh dễ tái phát khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, mùa phấn hoa, mùa mưa...
Viêm mũi dị ứng là bệnh cơ địa do bẩm sinh, có tính di truyền. Điều trị viêm mũi dị ứng nhằm mục đích giảm triệu chứng, hạn chế tái phát, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, không thể điều trị dứt điểm.
Theo bác sĩ Duy, viêm mũi dị ứng kéo dài nhiều năm có thể gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, phì đại cuốn mũi. Khi bệnh trở thành mạn tính, người bệnh nghẹt mũi thường xuyên, ù tai, nhức đầu, rối loạn khứu giác. Nhiều trường hợp có thể ngủ ngáy, thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể hen suyễn.
Đơn cử anh Vũ, 40 tuổi, tiền sử dị ứng phấn hoa. Mỗi khi chuyển mùa, hoa ra phấn, triệu chứng bệnh của anh chuyển nặng, gây chảy nước mắt, nước mũi, ngứa và sưng mắt, hắt hơi, khò khè, nghẹt mũi.
Anh Vũ dùng thuốc giảm triệu chứng khiến cơ thể mệt mỏi, lừ đừ. Đầu tháng 7, anh từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình kết hợp đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra sức khỏe mũi họng. Kết quả nội soi tai mũi họng không phát hiện bất thường cấu trúc giải phẫu mũi họng. Người bệnh được hướng dẫn cách chăm sóc mũi họng, sinh hoạt và dinh dưỡng để ngăn ngừa viêm mũi dị ứng tái phát.
Tương tự, chị Hoan, 38 tuổi, viêm mũi dị ứng mạn tính. Nghẹt mũi khiến chị Hoan không thở được, phải thở bằng miệng nên phát sinh bệnh viêm họng. Chị cho biết bị stress kéo dài, có giai đoạn trầm cảm do bệnh, uống thuốc suốt 20 năm nay, mỗi khi xuất hiện triệu chứng.
Hai tuần gần đây, chị tỉnh giấc từ 5h do hắt hơi liên tục, nghẹt mũi, cảm giác lạnh buốt ở mũi, đầu mũi đỏ ửng, chảy nước mũi. Triệu chứng lặp lại mỗi ngày ảnh hưởng công việc, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Chị Hoan được hút dịch nhầy, kê đơn thuốc kháng histamin, thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi để giảm ngứa cùng các triệu chứng khó chịu. Tái khám sau hai tuần, tình trạng nghẹt mũi, hắt hơi, nghẹt mũi của chị cải thiện.
Bác sĩ Duy cho biết viêm mũi dị ứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, môi trường làm việc. Người có cơ địa dễ bị kích ứng nên chủ động tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây dị ứng.
Để biết chính xác chất gây dị ứng có thể xét nghiệm 60 dị nguyên. Đây là xét nghiệm sử dụng 60 mẫu dị nguyên có sẵn để xác định nguyên nhân gây dị ứng, từ đó hạn chế tiếp xúc nhằm giảm tái phát bệnh.
Người viêm mũi dị ứng khi có dấu hiệu tái phát nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý 1-2 lần mỗi ngày, uống thuốc giảm dị ứng. Nếu dịch nhầy trong mũi nhiều nên bơm rửa mũi. Trường hợp uống thuốc, vệ sinh mũi họng 5-7 ngày không giảm cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám. Không tự ý dùng thuốc nhỏ mũi co mạch để giảm nghẹt mũi tức thì. Nên ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, giữ cho cơ thể không stress căng thẳng, tập thể dục nhẹ nhàng để tăng đề kháng. Giữ nhà cửa sạch sẽ, tránh các tác nhân gây dị ứng.
Người bệnh viêm mũi dị ứng bội nhiễm (đã biến chứng bội nhiễm vi trùng) phải dùng kháng sinh, kháng nguyên theo chỉ định của bác sĩ. Viêm mũi dị ứng không điều trị đúng cách thường kéo dài và tiến triển nặng, dẫn đến các biến chứng như viêm xoang cấp - mạn tính, polyp mũi xoang. Chi phí điều trị nhiều, chất lượng cuộc sống suy giảm.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |