Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKII Nguyễn Như Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Phân loại và triệu chứng
Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ) thường xuất hiện đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng. Triệu chứng có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần gồm:
- Ngứa mũi.
- Hắt hơi liên tục.
- Chảy nước mũi nhiều.
- Dịch nhầy trong mũi.
Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ) là tình trạng mũi bị kích ứng và viêm bất cứ khi nào gặp các yếu tố dị ứng. Triệu chứng gồm:
- Sổ mũi.
- Hắt hơi.
- Chảy mũi khi vừa thức dậy vào buổi sáng, giảm dần trong ngày.
- Chảy mũi tái phát khi tiếp xúc với bụi hay môi trường lạnh.
- Nước mũi có xu hướng trong suốt, sau đó chuyển đặc, chảy thành từng đợt.
- Thở bằng miệng.
Điều trị
Viêm mũi dị ứng không thể điều trị dứt điểm, các phương pháp chỉ giúp giảm và kiểm soát các triệu chứng.
Phòng bệnh
Tránh tiếp xúc với dị nguyên hay tác nhân dị ứng như:
Phấn hoa: Hạn chế hoạt động ngoài trời từ 5h đến 10h khi lượng phấn hoa trong không khí cao. Đóng cửa sổ vào mùa phấn hoa cao điểm, sử dụng máy lọc không khí trong nhà.
Bụi: Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, nhất là chăn, ga, gối và nệm, hạn chế đến nơi khói bụi, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Lông thú cưng: Không nên nuôi thú cưng, hạn chế tiếp xúc với thú cưng. Nếu nhà có thú cưng cần vệ sinh chúng hàng ngày, nuôi ở ngoài, rửa tay sau khi vuốt ve, sử dụng máy lọc không khí, hút bụi sàn nhà và vật dụng thường xuyên.
Nấm mốc: Giữ cho nhà cửa khô ráo, nhất là nhà tắm, bếp, tường và sàn nhà, sử dụng máy hút ẩm trong nhà để kiểm soát độ ẩm.
Vệ sinh tai mũi họng hàng ngày: Tai, mũi, họng là hệ thống thông với nhau. Bảo vệ vùng tai và họng tốt giúp mũi khỏe, giảm nguy cơ viêm mũi dị ứng nặng. Người bệnh nên xịt rửa mũi 1-2 lần một ngày, súc miệng bằng nước muối sinh lý khoảng 2-3 lần trong ngày, nhất là khi đi ra ngoài về.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, omega-3 giúp ức chế trực tiếp các tế bào viêm, gồm ớt chuông, cải xanh, cá hồi, cá mòi, cá thu. Sử dụng gia vị có tính ấm, giảm viêm như hành, gừng, tỏi. Tránh đồ uống có cồn vì dễ gây mất nước, làm đặc chất nhầy trong mũi khiến bệnh nặng hơn.
Tập thể dục đều đặn: Tham gia các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga... góp phần tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây dị ứng, giảm viêm. Cơ thể tiết ra mồ hôi khi tập thể dục hỗ trợ loại bỏ một số chất gây dị ứng và độc tố ra khỏi cơ thể.
Ngủ đủ giấc: Ngủ ngon, đủ 7-8 giờ mỗi đêm giúp cơ thể phục hồi và tăng cường sức đề kháng, giảm viêm. Giấc ngủ ngon góp phần điều hòa quá trình viêm nhiễm, cân bằng các hormone liên quan đến viêm và phản ứng với chất gây dị ứng trong cơ thể.
Tránh căng thẳng: Stress làm hệ thống miễn dịch suy giảm, gây ra các phản ứng quá mức với chất gây dị ứng, tăng mức độ viêm của cơ thể.
Sử dụng thuốc đúng cách: Người bệnh nên sử dụng các loại thuốc chống dị ứng theo chỉ định của bác sĩ, không lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch để giảm triệu chứng vì có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Người bệnh nên đi khám khi viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài trên 4 tuần kèm với triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi liên tục; ngứa mũi, cổ, mắt; ngạt mũi, chảy nhiều dịch mũi và ho kéo dài.
Uyên Trinh