Viêm loét đại tràng chảy máu là tình trạng đại tràng và trực tràng bị viêm nhiễm kéo dài. Đại tràng là ruột già (ruột) và trực tràng là phần cuối của ruột, nơi chứa phân. Viêm loét đại tràng chảy máu thường khởi đầu ở trực tràng. Bệnh có thể chỉ cục bộ ở trực tràng (viêm loét trực tràng chảy máu) hoặc lan rộng, đôi khi ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng. Khi bị viêm loét đại tràng chảy máu có thể xảy ra các triệu chứng ngoài ruột, nhất là viêm khớp. Nguy cơ dài hạn là ung thư ruột già.
Viêm loét đại tràng chảy máu thường gặp ở độ tuổi đó là người trẻ 15-25 tuổi hoặc tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ. Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng đến nay vẫn chưa rõ ràng nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh. Người ta cho rằng có liên quan đến thay đổi khẩu phần ăn đó là ăn ít rau quả và nhiều thịt, ăn thức ăn có nhiều chất bảo quản, ăn nhiều chất béo....
Triệu chứng
Theo Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan Mật - Tụy Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu thường có các triệu chứng phân lỏng có máu, nếu tình trạng nặng thì phân có nhiều máu như nước rửa thịt, chất nhầy; đau bụng, muốn đi tiêu thường xuyên; cơ thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và sụt cân nếu nặng có thể có sốt. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ viêm trực tràng, đại tràng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm. Đối với một số người, tình trạng này có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày.
Trong thời gian bùng phát, một số người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể gặp phải các triệu chứng ở những nơi khác nhau trên cơ thể. Thông thường, một đợt bệnh bắt đầu âm thầm, tăng dần nhu cầu đi ngoài, đau quặn bụng dưới mức độ nhẹ và có nhầy máu trong phân. Một số người có triệu chứng phát triển thành đau và sưng khớp (viêm khớp), loét miệng, vùng da bị đau, đỏ và sưng, mắt bị kích thích và đỏ.
Bác sĩ Khanh cho biết, trong những trường hợp nghiêm trọng, người bị viêm loét đại tràng đi tiêu 6 lần trở lên mỗi ngày, các triệu chứng bổ sung có thể bao gồm khó thở, nhịp tim nhanh hoặc không đều, sốt cao, phân có nhiều máu, chán ăn, sụt cân. Viêm đại tràng độc hoặc kịch phát biểu hiện ban đầu với tiêu chảy đột ngột dữ dội, sốt đến 40 độ C, đau bụng, các dấu hiệu viêm phúc mạc (ví dụ phản ứng thành bụng) và nhiễm độc máu rõ.
Nguyên nhân
Viêm loét đại tràng chảy máu được cho là một tình trạng tự miễn dịch. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch, cơ quan bảo vệ của cơ thể thường chống lại nhiễm trùng, gặp trục trặc và tấn công các mô khỏe mạnh của chính cơ thể mình. Nguyên nhân chính xác khiến hệ thống miễn dịch hoạt động theo cách này vẫn chưa rõ ràng. Hầu hết các chuyên gia cho rằng đó là sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường.
Một số thói quen ăn uống như thích ăn thịt đỏ, sử dụng nhiều thức ăn nhanh cùng với lối sống ít vận động, ít thể dục thể thao góp phần gây nên các vấn đề về miễn dịch. Bên cạnh đó, căng thẳng cũng được cho là một yếu tố tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ viêm loét đại tràng chảy máu. Cả nam giới và phụ nữ dường như đều bị ảnh hưởng như nhau bởi bệnh viêm loét đại tràng chảy máu.
Chẩn đoán
Có nhiều phương pháp chẩn đoán viêm loét đại tràng chảy máu gồm:
Nuôi cấy và soi phân (để loại trừ các nguyên nhân gây viêm loét đại tràng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng): Cấy phân tìm mầm bệnh đường ruột, phương pháp này khuyến khích áp dụng ở tất cả các bệnh nhân.
Nội soi đại tràng: cho phép xác định trực quan viêm đại tràng và cho phép lấy mẫu bệnh phẩm phân hoặc chất nhầy trực tiếp để nuôi cấy và đánh giá vi thể, cũng như sinh thiết các vùng bị ảnh hưởng.
X-quang: X-quang không nhằm chẩn đoán mà dùng trong trường hợp bệnh nặng nghị ngờ có phình đại tràng nhiễm độc.
Điều trị
Viêm loét đại tràng, nếu không phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng như phình đại tràng nhiễm độc, lâu dài làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng sau 8 -10 năm.
Ở thể trạng nhẹ và vừa của viêm loét đại tràng, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lựa chọn các thức ăn dễ tiêu hóa, trái cây và hoa quả tươi nhằm hạn chế chấn thương niêm mạc đại tràng viêm và từ đó có thể làm giảm các triệu chứng. Kiêng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng. Hạn chế căng thẳng quá mức khiến bệnh thêm trầm trọng nên thư giãn, thoải mái đầu óc, không sử dụng các chất kích thích, uống đủ nước.
Khi bị viêm loét đại tràng, người bệnh nên ngừng tất cả các thuốc chống tiêu chảy. Nếu có ý định dùng thuốc chống tiêu chảy, người bệnh cần phải hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể gây ra giãn đại tràng nhiễm độc.
Trong quá trình điều trị viêm loét đại tràng, lưu ý không lạm dụng kháng sinh và thuốc điều trị triệu chứng
Không lạm dụng thuốc điều trị triệu chứng
Các thuốc điều trị triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy... dù có thể giúp tình trạng khó chịu thuyên giảm, nhưng có thể gây ra hậu quả về sau. Bệnh trở nên nặng hơn và tái phát thường xuyên.
Để phòng viêm loét đại tràng, mọi người cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau, củ quả, không uống nhiều rượu bia, uống thuốc lá, tránh dùng chất kích thích. Các thức ăn chua, cay, nóng cũng cần hạn chế vì chúng không tốt cho hệ tiêu hóa.
Anh Chi