Dạ dày là bộ phận quan trọng có khả năng tiết ra một loại axit mạnh giúp tiêu hóa thức ăn và chống lại các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, chính loại axit này cũng có thể gây tổn thương đến các mô bình thường trong niêm mạc dạ dày. Bình thường, dạ dày sẽ tiết ra một lớp chất nhầy dày để bảo vệ các mô khỏi tác động của axit. Dưới tác động của nhiều yếu tố, lớp chất nhầy này sẽ bị bào mòn và không còn hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện để axit tiếp xúc và làm tổn thương các mô trên niêm mạc dạ dày, từ đó gây viêm loét.
Bác sĩ...., Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nhiều người bị viêm loét dạ dày hoặc tá tràng vào một thời điểm nào đó trong đời. Bệnh tương đối dễ chữa nhưng nếu chủ quan, viêm loét dạ dày có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị.
Các giai đoạn viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày được chia làm 2 giai đoạn là viêm loét cấp tính và mạn tính.
Viêm loét dạ dày cấp tính
Điểm đặc trưng của viêm loét dạ dày cấp tính là các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, biểu hiện rõ nét và diễn tiến trong thời gian ngắn. Ở giai đoạn này, nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi triệt để. Tuy nhiên, đa số người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng, chủ quan không đi khám, khiến bệnh tình trở nên phức tạp hơn.
Viêm loét dạ dày mạn tính
Viêm loét dạ dày cấp tính khi không được điều trị sẽ khiến tình trạng viêm sưng kéo dài, sau một thời gian có thể chuyển sang dạng mạn tính. Ở giai đoạn mạn tính, các tổn thương lan rộng, bệnh khó điều trị hơn, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm teo, chuyển sản ruột, hẹp môn vị, xuất huyết, thủng, ung thư dạ dày, viêm nhiễm các cơ quan lân cận...
Triệu chứng
Tình trạng viêm loét dạ dày thường gây đau rát, đau âm ỉ ở vùng giữa xương ức (vùng dạ dày) hoặc giữa rốn (vùng thượng vị). Các cơn đau này có xu hướng nghiêm trọng hơn khi dạ dày rỗng, không chứa thức ăn. Tùy vào mức độ viêm loét mà cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Một số triệu chứng khác của viêm loét dạ dày gồm:
- Khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng
- Ợ nóng, ợ chua
- Buồn nôn, nôn
- Dịch nôn bất thường hoặc có máu
- Ăn không ngon miệng, mau no
- Các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, khó thở, chóng mặt hoặc da nhợt nhạt
- Phân sẫm màu, phân đen hoặc có máu
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
Viêm loét dạ dày cấp tính có thể chữa trị khỏi nhưng ở giai đoạn mạn tính rất khó điều trị khỏi, gây ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị (viêm loét dạ dày có thể hình thành các mô viêm xơ ở cuối dạ dạy, ngăn cản quá trình vận chuyển của thức ăn trong hệ tiêu hóa), ung thư dạ dày.
Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ
Hầu hết các trường hợp viêm loét dạ dày là do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) hoặc do tác dụng phụ của thuốc giảm đau kháng viêm không steroids (NSAIDs).
Vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân gây ra khoảng 60% các trường hợp viêm loét dạ dày. Khi đi vào cơ thể, loại vi khuẩn này sống trong lớp nhầy bao phủ và bảo vệ các mô lót ở niêm mạc dạ dày cũng như ruột non. Vi khuẩn tiết ra các độc tố làm hỏng lớp màng bảo vệ này, từ đó tạo điều kiện để axit dạ dày tiếp xúc với niêm mạc, gây bào mòn và tạo thành các vết loét tại đây. H. pylori được lây truyền qua đường ăn uống cũng như tiếp xúc gần với người đã phơi nhiễm.
Các thuốc thuộc nhóm giảm đau kháng viêm không steroids (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen, naproxen... ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, yếu tố giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó khiến dạ dày dễ bị tổn thương, kích ứng và viêm loét. Một số thuốc khác như steroid, thuốc chống đông, thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin... có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển vết loét khi dùng chung với NSAIDs.
Ngoài ra, một số nguyên nhân ít gặp khác cũng có khả năng gây viêm loét dạ dày là tăng tiết axit dạ dày, hội chứng Zollinger-Ellison.
- Tăng tiết axit dạ dày: tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm di truyền, hút thuốc, căng thẳng hoặc tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định.
- Hội chứng Zollinger-Ellison: là một căn bệnh hiếm gặp gây dư thừa axit trong dạ dày.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm loét dạ dày, bác sĩ trước tiên sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng gặp phải cũng như tiền sử bệnh và các loại thuốc đang sử dụng. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán tình trạng viêm loét ở dạ dày cũng như xác định nguyên nhân gây bệnh:
- Nội soi: Một ống mềm, mỏng sẽ được đưa qua miệng, thực quản để vào dạ dày. Ống nội soi được gắn một máy quay nhỏ để giúp bác sĩ quan sát được bên trong dạ dày, từ đó phát hiện ra những vết loét, đánh giá tình trạng bệnh và vị trí tổn thương nhằm đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Hơn nữa, trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể can thiệp cầm máu ổ loét hoặc tiến hành sinh thiết quanh vị trí tổn thương để xác định tình trạng nhiễm khuẩn H. pylori hoặc các vấn đề nghi ngờ khác.
- Chụp X-quang cản quang đường tiêu hóa trên với barium: phương pháp này giúp bác sĩ quan sát hình ảnh của đường tiêu hóa trên, bao gồm thực quản, dạ dày và ruột non, từ đó phát hiện ra các vết loét tại đây. Phương pháp này hiện ít phổ biến nhưng vẫn có thể được sử dụng ở những nơi không có nội soi.
- Xét nghiệm tìm kiếm sự hiện diện của H. pylori: Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây viêm loét dạ dày là do nhiễm khuẩn H. pylori, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, phân và hơi thở để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn.
Điều trị
Tùy vào nguyên nhân gây viêm loét dạ dày mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân như điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc, phẫu thuật. Trong một số trường hợp hiếm gặp, khi các vết loét ở dạ dày phát triển phức tạp (tái phát liên tục, không khỏi, gây ra các biến chứng như chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị), bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật.
Phòng ngừa
Việc quan trọng nhất cần làm để hạn chế viêm loét dạ dày là ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn H. pylori. Theo đó, các chuyên gia y tế khuyến nghị mỗi người nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi và giữ gìn vệ sinh cá nhân để tránh lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.
Ngoài ra, một số phương pháp có thể được thực hiện để phòng ngừa viêm loét dạ dày, bao gồm xây dựng chế độ ăn uống ành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ, probiotic..., thận trọng khi sử dụng các thuốc NSAIDs, bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và caffeine, kiểm soát căng thẳng...
Phương Quỳnh