Trả lời:
Viêm gan C (viêm gan virus C) là bệnh nhiễm trùng do Hepatitis C virus (HCV) gây tổn thương gan. Triệu chứng bệnh thường không rõ ràng hoặc có thể nhẹ như cảm cúm, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, nhức mỏi cơ thể... Một số bệnh nhân có thể vàng da, vàng mắt, da lòng bàn tay có màu đỏ hoặc sẫm, nôn ra máu, đi tiêu phân đen hoặc tiêu máu đỏ. Các mạch máu nhỏ hình thành giống như mạng nhện trên da vùng cổ ngực. Tình trạng chướng bụng, phù chân cũng có thể xảy ra.
Viêm gan C mạn tính tiến triển âm thầm trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nếu không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, theo thời gian có thể diễn tiến làm tổn thương nhu mô gan, tăng nguy cơ xơ gan, ung thư gan, suy gan.
Bệnh được phân thành hai loại là viêm gan C cấp tính (dưới 6 tháng) và viêm gan C mạn tính (trên 6 tháng). Bệnh dễ lây qua đường máu khi chăm sóc y tế như người được truyền máu, ghép nội tạng, chạy thận nhân tạo trong thời gian dài, nhân viên y tế tiếp xúc với máu hoặc kim tiêm của người bị nhiễm viêm gan C. Viêm gan C cũng có khả năng lây lan do quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con, phơi nhiễm qua da như xăm mình, xỏ khuyên, giác hơi...

Bác sĩ Mai tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Tùy theo mức độ tổn thương gan, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như điều trị thuốc kháng virus hoặc ghép gan. Thuốc kháng virus giúp loại bỏ virus khỏi cơ thể, thường được sử dụng trong vòng 12 tuần. Ghép gan áp dụng khi gan bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, ghép gan không chữa khỏi viêm gan C vì nhiễm trùng vẫn có khả năng tái phát. Người bệnh cần kết hợp điều trị bằng thuốc kháng virus để ngăn ngừa tổn thương mới.
Mẹ bạn phát hiện viêm gan C ở giai đoạn mạn tính, cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và chú ý sinh hoạt để phòng ngừa lây nhiễm cho người thân. Sau điều trị khỏi, mẹ bạn nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ nhằm phát hiện sớm các biến chứng mạn tính nếu có. Để tránh tái nhiễm, bạn và các thành viên trong gia đình cần tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm như dùng chung các vật dụng kim tiêm, ống tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng... của người bệnh.
Hiện viêm gan C chưa có vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, tiêm vaccine phòng ngừa virus viêm gan A và B góp phần phòng viêm gan C trầm trọng hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai
Khoa Nội tiêu hóa, Gan - Mật - Tụy
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |