Ngày 14/6, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mỗi tháng bệnh viện điều trị khoảng 100 trường hợp viêm da cơ địa, trong đó 40% có dấu hiệu lo âu, stress, một số bệnh nhân bị trầm cảm. Hiện miền Nam vào mùa mưa nên bệnh dễ tái phát.
Viêm da cơ địa còn gọi là chàm thể tạng, chàm sữa hay lác sữa ở trẻ em. Biểu hiện đặc trưng là các mảng da viêm đỏ, bong vảy, có thể có mụn nước, mụn nước vỡ làm rỉ dịch, ngứa dữ dội, thường xuất hiện ở da vùng nếp, vùng da non, da mặt (trẻ em). Người bệnh càng gãi để giảm ngứa càng làm da bị thương, trầy xước gây nhiễm trùng. Đây là bệnh dễ tái phát bởi các yếu tố như thay đổi thời tiết, dị ứng thức ăn, thuốc, hóa chất, nhiễm trùng, rối loạn nội tiết hay căng thẳng thần kinh.
Theo bác sĩ Bích, viêm da cơ địa không nguy hiểm đến tính mạng nhưng không điều trị đúng cách có thể tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, thẩm mỹ và giao tiếp. Bệnh còn gây nhiều biến chứng phức tạp như viêm da thần kinh, bội nhiễm, sốt cao, đau nhức, sưng hạch bạch huyết.
Chị Linh, 38 tuổi, bị viêm da cơ địa gần ba năm, da luôn nổi mụn chảy dịch mủ, phồng rộp. Từ khi mắc bệnh, chị từ bỏ thói quen đi bơi, chạy bộ hằng ngày, phần lớn thời gian ở nhà, ra đường mặc quần áo dài che kín cơ thể. Chị từng phải hủy hẹn khách hàng ký hợp đồng vì khắp người phồng rộp mụn nước.
"Có đợt tôi chỉ dám ăn cháo trắng, uống nước lọc, song mụn nước ở tay vẫn bùng phát", chị nói, thêm rằng điều trị ở nhiều bệnh viện, dùng nhiều thuốc nhưng bệnh chỉ được kiểm soát tương đối. Ngưng thuốc, đổi thuốc hoặc giảm liều, đợt viêm da cơ địa mới lại bùng phát toàn thân.
Hơn một năm nay, chị Linh dùng thuốc điều hòa miễn dịch, loại thuốc mạnh nhất để kiểm soát bệnh nhưng da bàn tay, đầu ngón tay, ngực, lưng vẫn nổi nhiều mụn nước. Ngón tay bị nặng nhất, nhiễm trùng. Một số vị trí mụn phồng lớn như bỏng nhiệt gây đau đớn. Ba năm qua, bệnh khiến cuộc sống chị đảo lộn, căng thẳng, mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần.
Còn bé Phương, 5 tuổi, bị tăng động, chậm nói, mắc bệnh viêm da cơ địa mạn tính khoảng một năm trước nhưng không được phát hiện, điều trị sớm. Ngứa da làm bé hay cáu kỉnh, gãi mạnh, da bong tróc, trầy xước, rỉ máu. Tình trạng khó chịu khiến bé càng lười tập nói, biếng ăn, ngủ không ngon.
Em trai một tuổi của Phương cũng gặp tình trạng da khô sần, nứt nẻ. Cha mẹ đưa hai bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM mới biết con bị viêm da cơ địa. Kết quả xét nghiệm dị nguyên cho thấy Phương bị dị ứng với tôm, thịt gà, cá ngừ.
Viêm da cơ địa có thể dẫn tới hàng loạt vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Người mắc bệnh dễ cáu gắt, thay đổi tâm trạng, giảm hiệu quả lao động, chất lượng sống. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Da liễu học Việt Nam năm 2022 trên 72 bệnh nhân cho thấy 43,1% người bệnh viêm da cơ địa bị rối loạn lo âu, trầm cảm, stress, 77,3% có triệu chứng cào gãi và 83,3% trường hợp mất ngủ.
Ngược lại, các yếu tố trên góp phần làm nặng thêm triệu chứng của viêm da cơ địa. Trong đó, căng thẳng tâm lý là một trong những yếu tố quan trọng. Như trường hợp Phương, trước khi có dấu hiệu viêm da, bé hiền lành, ít khi bị kích động và đã nói được một số từ cơ bản. Khi bị bệnh, bé thường xuyên la hét, việc học nói không tiến triển. Bé có dấu hiệu rối loạn cảm xúc nặng hơn vì không kiểm soát được cơn ngứa, dẫn đến dễ nổi cáu, khó chịu.
Bác sĩ Bích lý giải vòng lặp giữa stress và viêm da cơ địa có thể do tác động của các hormone tham gia trong quá trình chống stress của cơ thể (cortisol và adrenaline). Rối loạn nồng độ các hormone này trong cơ thể tạo ra các rối loạn trong phản ứng viêm, làm trầm trọng thêm các triệu chứng hiện tại hoặc kích hoạt đợt bệnh mới nặng hơn.
Người bệnh viêm da cơ địa cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng, thoa dưỡng ẩm thường xuyên (giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da), hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ kích hoạt bệnh. Nên tránh tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa, cố gắng giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ.
Chị Linh được tiếp tục điều trị với thuốc điều hòa miễn dịch. Loại thuốc này có hiệu quả điều trị cao, song cũng tiềm ẩn các nguy cơ là tăng men gan, tăng mỡ máu, giảm hồng cầu, loét miệng..., theo bác sĩ Bích. Chị cần tái khám và xét nghiệm máu đúng lịch hẹn để theo dõi các tác dụng phụ. Hiện tình trạng viêm da của chị đã được kiểm soát tạm ổn, hai tuần gần đây chưa bùng đợt mụn nước mới.
Còn bé Phương hết ngứa, các vết thương trên da đã lành khi tái khám sau một tháng. Bé cần được thoa dưỡng ẩm da hàng ngày, uống thuốc chống dị ứng, tránh ăn thịt gà, tôm, cá ngừ.
Bác sĩ Bích lưu ý người bệnh viêm da cơ địa không nên tự chữa bằng cách đắp, uống các loại lá cây, thuốc gia truyền, hay tự ý gia giảm liều thuốc, vừa giảm hiệu quả điều trị vừa dễ biến chứng. Người bệnh nên kiên trì vì kiểm soát bệnh cần nhiều thời gian, có thể phải thay đổi nhiều loại thuốc. Ngoài chữa viêm da cơ địa cho bệnh nhân bị căng thẳng, trầm cảm, bác sĩ còn phối hợp điều trị vấn đề tâm lý.
Anh Thư
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |