Chị Khánh (32 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết con trai bắt đầu nổi mẩn đỏ khoảng hai tuần trước. Từ bé, Nam nhiều lần bị chàm da, quấy khóc nhiều.
Ngày 23/10, TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé xuất hiện nhiều hồng ban, mụn nước, chủ yếu ở vùng mặt, lưng, bụng, mặt sau đùi, hai tay và chân; sẩn cục rải rác ở thân mình, chân. Da bé có một số nốt sẹo đen do tăng sắc tố sau viêm, là vết tích của những lần viêm da trước đó.
Theo bác sĩ Bích, bệnh nhi tiền căn viêm da cơ địa đã lâu, lần này có tình trạng bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, virus khác tại vết thương ban đầu) gây nhọt và sẩn cục.
Bác sĩ kê đơn cho bé thuốc uống kết hợp thuốc bôi và tắm, bổ sung men vi sinh nhằm cung cấp lợi khuẩn, tăng sức đề kháng cho da trước vi khuẩn có hại, giảm viêm, hạn chế các đợt bùng phát viêm da cơ địa.
Tái khám sau 5 ngày, bác sĩ Bích đánh giá tình trạng của bệnh nhi tiến triển tốt. Các mảng ban đỏ, sẩn cục, mụn nước và các nốt tăng sắc tố do viêm mờ hẳn. Bé không còn ngứa, đêm ngủ yên.
Bác sĩ Bích cho biết viêm da cơ địa là bệnh mạn tính, kéo dài suốt cuộc đời nên người bệnh cần đề phòng những lần bộc phát. Điều trị chỉ giúp kiểm soát bệnh, không chữa khỏi hoàn toàn.
Bệnh thường biểu hiện nặng ở các bé sơ sinh đến 7 tuổi, có trường hợp kéo dài đến 10-12 tuổi. Nguy cơ mắc bệnh giảm khi hệ miễn dịch của trẻ hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trẻ lớn vẫn có những cơn bộc phát.
Sau 7 tuổi, các biểu hiện của viêm da cơ địa giảm, thay vào đó là các biểu hiện của viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm, hen phế quản, y khoa gọi là bộ ba bệnh cơ địa (bệnh thể tạng).
Viêm da cơ địa có tính di truyền. Trẻ có người thân mang những gene dị ứng có khả năng cao mắc bệnh. Những trẻ có gene dị ứng có thể trải qua "hành trình dị ứng" từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành gồm viêm da cơ địa, dị ứng thực phẩm, viêm mũi dị ứng, hen phế quản. Không phải trẻ nào cũng có đầy đủ các bệnh trong này.
Bác sĩ Ngọc Bích khuyến cáo phụ huynh phát hiện trẻ viêm da cơ địa cần đưa con đến cơ sở y tế có khoa da liễu khám để có biện pháp điều trị phù hợp. Không tự ý mua thuốc, đắp các loại lá cây vào vết thương của trẻ vì có nguy cơ nhiễm trùng, lở loét da.
Khi tắm cho trẻ, cha mẹ nên chọn xà phòng, sữa tắm, sản phẩm chăm sóc da trẻ em với độ pH phù hợp, không chứa xút (hóa chất thường có trong chất tẩy rửa có khả năng ăn mòn da), dịu nhẹ, ít mùi thơm, dành riêng cho da nhạy cảm.
Trẻ nên mặc các loại quần áo làm từ sợi thiên nhiên, mềm mại, rộng rãi, thoải mái; tránh quần áo làm từ sợi tổng hợp, dễ gây dị ứng. Cha mẹ nên giặt quần áo cho con bằng nước giặt, nước xả vải dành cho da nhạy cảm, ít hương liệu.
Thắng Vũ
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi