Theo BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, viêm da dị ứng là bệnh chàm cơ địa (hay chàm thể tạng). Bệnh khá phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Dựa vào đặc điểm bệnh, viêm da dị ứng được phân loại thành các nhóm như:
Viêm da dị ứng tiếp xúc: Phản ứng của hệ thống miễn dịch khi da tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như kim loại, hóa chất, mỹ phẩm, nọc cắn của côn trùng... Bệnh thuyên giảm và khỏi hẳn sau 1-4 tuần.
Viêm da dị ứng thời tiết: Liên quan đến sự thay đổi thời tiết, nhất là vào thời điểm giao mùa hoặc vào mùa đông, lúc không khí trở lạnh, hanh khô.
Viêm da dị ứng tiếp xúc bội nhiễm: Xảy ra khi các mụn nước vỡ làm vi trùng xâm nhập vào cơ thể khiến da sưng, ngứa, đỏ, đau rát nhiều. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể tái phát nhiều lần, gây các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, hoại tử da...
Viêm da dị ứng cơ địa: Thường gặp ở người có gen dị ứng hoặc cơ địa dị ứng. Bệnh khó kiểm soát và dễ tái phát.
Bác sĩ Kim Dung cho hay, nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ những tác động phức tạp lẫn nhau giữa yếu tố môi trường, hệ miễn dịch và di truyền. Trong đó, hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức khi da tiếp xúc với các chất kích ứng bên ngoài là lý do thường gặp gây viêm da dị ứng. Ngoài ra, cha mẹ mắc những bệnh dị ứng (viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn), con sinh ra cũng có nguy cơ mắc viêm da cơ địa cao hơn trẻ bình thường.
Triệu chứng phổ biến của viêm da dị ứng là gây ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ cùng các triệu chứng khác như da thô ráp, bong tróc, viêm và kích ứng... Những triệu chứng này bùng phát nhanh chậm khác nhau ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, thường gặp ở cánh tay, khuỷu tay, mặt sau đầu gối, vùng má hoặc da đầu.
Ở trẻ sơ sinh, biểu hiện ban đầu thường là chàm sữa hoặc lác sữa, xuất hiện nhiều ở mặt, các nếp da vùng nách, bẹn, có thể lan rộng tới vùng da toàn thân. Bệnh bắt đầu khi bé 6-12 tuần tuổi và dần cải thiện khi con được 18 tháng tuổi. Ở trẻ lớn hơn, tình trạng viêm da có sự thay đổi qua các bộ phận như cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân. Với người trưởng thành, viêm da dị ứng thường tập trung ở bàn tay hoặc bàn chân.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung lưu ý, điều trị viêm da dị ứng là loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng bằng cách tầm soát các dị ứng nguyên. Tùy vào cơ chế gây viêm da dị ứng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc, liệu pháp ánh sáng (sử dụng tia cực tím, đèn chiếu) hoặc chăm sóc tại nhà. Điều quan trọng, ngay khi xuất hiện viêm da dị ứng, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để được kiểm tra và điều trị sớm. Nếu tự ý dùng thuốc hoặc kéo dài thời gian đến khám, việc điều trị sẽ tốn kém.
Viêm da dị ứng tuy không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng khá nhiều tới sinh hoạt và tâm lý người bệnh, nhất là trẻ em. Bệnh có thể phải điều trị cả đời nhưng may mắn là kiểm soát được nhờ nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn. Do đó, người bệnh cần bảo vệ và chăm sóc da nhằm hạn chế các yếu tố kích ứng, từ đó giảm thiểu tình trạng viêm dị ứng da.
Dung Lê