Viêm bàng quang là tình trạng viêm cấp tính hoặc mạn tính trong bàng quang. Tình trạng này có thể xảy ra do tác dụng của thuốc, xạ trị vùng chậu, rò bàng quang và đường tiêu hóa, trong đó nhiễm khuẩn đường tiết niệu là nguyên nhân phổ biến nhất.
ThS.BS Nguyễn Tân Cương, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết, khi bị viêm bàng quang, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như: đi tiểu nhiều lần hơn so với bình thường nhưng lượng nước tiểu bài tiết ra ít, luôn có cảm giác buồn tiểu; tiểu máu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi nồng; đau, nóng rát khi tiểu, đau bụng dưới; sốt nhẹ; đái dầm ở trẻ em vào ban ngày...
Thay đổi bất thường thói quen đi tiểu là dấu hiệu thường gặp của viêm bàng quang. Ảnh: Freepik
Tình trạng viêm bàng quang nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
Tiểu ra máu là triệu chứng của phù nề xuất huyết niêm mạc bàng quang, xảy ra khi tình trạng viêm tiến triển nặng.
Viêm đài bể thận xảy ra khi vi khuẩn từ bàng quang di chuyển ngược lên trên thận gây viêm thận, hiện tượng này có thể tạo thành các sẹo xơ nhu mô thận làm suy giảm chức năng thận.
Nguy cơ vô sinh, hiếm muộn: Ở nam giới, đường tiết niệu và đường sinh dục có mối quan hệ mật thiết với nhau do đường bài tiết nước tiểu ở niệu đạo cũng đồng thời là đường xuất tinh. Vì vậy, sự viêm nhiễm ở đường tiết niệu có khả năng lây lan sang cơ quan sinh dục như tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh, làm suy giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ hiếm muộn.
Bàng quang tăng hoạt: Nếu viêm bàng quang kéo dài hoặc tái phát nhiều lần có thể dẫn tới các biến chứng lên thần kinh, cơ bàng quang, gây ra tình trạng bàng quang tăng hoạt, đi tiểu nhiều lần do khả năng chứa đựng nước tiểu của bàng quang bị suy giảm.
Việc điều trị bệnh viêm bàng quang sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm bàng quang do vi khuẩn, thuốc kháng sinh thường là lựa chọn đầu tiên trong điều trị. Trong trường hợp nhiễm khuẩn lần đầu, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng kháng sinh trong 3 ngày. Đối với người bệnh mắc viêm bàng quang do nhiễm khuẩn tái phát thì sau khi điều trị đợt cấp viêm bàng quang, người bệnh có thể phải dùng kháng sinh dự phòng sau khi quan hệ tình dục hoặc sử dụng kháng sinh liều thấp mỗi ngày trong khoảng 3 đến 4 tuần.
Đối với tình trạng viêm bàng quang do hóa chất, người bệnh cần tránh tiếp xúc với những hóa chất gây viêm để giảm triệu chứng bệnh và ngăn ngừa tái phát. Nếu viêm bàng quang do xạ trị hoặc do thuốc, bác sĩ sẽ điều chỉnh đơn thuốc để giảm bớt những triệu chứng viêm, đề nghị người bệnh uống nhiều nước hơn nhằm đào thải những chất gây kích thích bàng quang.
Để tăng hiệu quả điều trị, trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh nên uống đủ nước, hạn chế các loại thực phẩm có khả năng kích thích bàng quang như cà phê, trà, rượu, nước cam, chanh và thức ăn cay nóng. Đối với thói quen đi vệ sinh, không nên nhịn tiểu; nhẹ nhàng làm sạch vùng da xung quanh âm đạo và hậu môn mỗi ngày, không sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa quá mạnh; lau từ trước ra sau khi đi đại tiện để tránh vi khuẩn từ hậu môn lan đến âm đạo, niệu đạo.
Ngoài ra, mặc quần áo quá chật cũng là nguyên nhân gây ra bệnh viêm bàng quang và làm cho tình trạng này phát triển nặng hơn. Quần áo bó chặt sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao, từ đó gây ẩm vùng kín, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Do đó, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi thoáng mát, thay đồ lót khi ẩm ướt.
Bác sĩ Tân Cương chia sẻ dù viêm bàng quang là một bệnh lý đường tiết niệu thường gặp nhưng các triệu chứng có thể chỉ thoáng qua và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, người bệnh cần lưu ý các bất thường trong thói quen đi tiểu và đến gặp bác sĩ thăm khám kịp thời, đặc biệt là khi tiểu gắt buốt hoặc nước tiểu có lẫn máu.
Phi Hồng