Co thắt bàng quang xảy ra khi cơ bàng quang bị co lại hoặc thắt chặt đột ngột không có dấu hiệu báo trước. Những cơn co thắt bàng quang diễn ra liên tục, nhu cầu đi tiểu tăng dẫn sẽ đến tình trạng tiểu không tự chủ.
Người bị co thắt bàng quang thường có các triệu chứng như đau quặn thắt, cảm thấy bỏng, rát khi đi tiểu. Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị co thắt bàng quang. Ở trẻ nhỏ, chứng co thắt bàng quang (bàng quang không ổn định) là nguyên nhân gây tiểu không tự chủ vào ban ngày.
Người già, mắc bệnh tiểu đường, béo phì, tổn thương cơ bàng quang, phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, mới sinh con hoặc đang mang thai, nhiễm trùng đường tiết niệu... là những người nhiều nguy cơ bị co thắt bàng quang. Dưới đây là những bệnh lý gây ra tình trạng này.
Bàng quang hoạt động quá mức
Người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn đi tiểu, bị rò rỉ nước tiểu thụ động, tiểu hơn 8 lần trong 24 giờ, tiểu đêm... do bàng quang bị co thắt. Bệnh nhân khó có thể kiểm soát được các triệu chứng này, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, tác động tới niệu đạo và bàng quang của người bệnh. Đau, rát khi đi tiểu, tiểu nhiều lần, nước tiểu có máu, màu đục... là những triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Viêm bàng quang kẽ
Đây là hội chứng gây đau dữ dội, cảm thấy áp lực hoặc khó chịu ở vùng trên xương mu hoặc bàng quang khiến người bệnh tăng số lần đi tiểu. Người bị dị ứng, mắc một số bệnh tự miễn, nhiễm trùng dễ mắc bệnh hơn người bình thường.
Rối loạn hệ thần kinh
Một số rối loạn hệ thần kinh, chấn thương như u não, bại não, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, chấn thương tủy sống, đột quỵ... có thể tác động tới tín hiệu giữa não và bàng quang. Điều này khiến bàng quang bị co thắt.
Phẫu thuật
Phẫu thuật vùng bụng dưới có thể gây suy yếu bàng quang, cơ sàn chậu, tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang. Co thắt bàng quang có thể xảy ra sau phẫu thuật bàng quang, mổ đẻ, cắt bỏ tử cung, tuyến tiền liệt, hóa trị, dùng một số loại thuốc lợi tiểu...
Ngoài các nguyên nhân trên, người bị táo bón, uống nhiều rượu, cà phê, mắc bệnh tiểu đường, suy giảm chức năng thận, có sỏi trong bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, rối loạn thần kinh... nhiều khả năng bị co thắt bàng quang.
Nhằm chẩn đoán co thắt bàng quang, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh lý, kiểm tra mẫu nước tiểu để phát hiện vi khuẩn hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu các xét nghiệm không chỉ ra nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ xem xét hệ thần kinh của người bệnh.
Để điều trị co thắt bàng quang hiệu quả, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp sau.
Tập thể dục: Các bài tập vận động cơ sàn chậu có thể hỗ trợ điều trị co thắt bàng quang hiệu quả, giảm căng thẳng, tiểu không tự chủ.
Duy trì cân nặng phù hợp: Thừa cân, béo phì có thể tạo áp lực quá mức lên bàng quang, làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ.
Thay đổi lối sống: Lên kế hoạch ăn uống mỗi ngày, lựa chọn loại thực phẩm phù hợp có thể khắc phục những triệu chứng của co thắt bàng quang. Người bệnh cần tránh các loại thực phẩm, đồ uống gây kích ứng như trái cây có mùi, nước hoa quả, món ăn cay, nóng, đường, socola, nước uống có ga, trà.
Uống thuốc: Bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân thuốc chống co thắt hoặc thuốc giãn bàng quang, thuốc chống trầm cảm nhằm giảm những cơn co thắt bàng quang.
Nếu cảm thấy bị đau hoặc chuột rút ở vùng xương chậu, bụng dưới, đau, nóng rát khi đi tiểu, tiểu ra máu... người bệnh cần đi khám sớm để điều trị kịp thời.
Minh Thúy (Theo Healthline, WebMD)