Ngày 15/6, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết amidan giúp bảo vệ hệ hô hấp, chống lại các tác nhân có hại như vi khuẩn, virus, nấm mốc, bụi bẩn. Song, amidan là lớp chắn đầu tiên của hệ hô hấp nên thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn và virus, dễ suy yếu dẫn đến sưng, viêm.
Từ giữa tháng 5 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận hơn 200 trẻ viêm amidan tái phát, tăng 30% so với tháng trước, trong đó nhiều trường hợp cần phẫu thuật.
Nắng nóng mùa hè kèm mưa thất thường khiến nhiệt độ thay đổi, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển. Trẻ thường xuyên ở phòng máy lạnh khiến niêm mạc mũi họng khô, phải thở bằng miệng, tạo cơ hội cho tác nhân gây bệnh từ môi trường xung quanh dễ dàng tấn công.
Theo bác sĩ Hằng, nhiều trẻ viêm amidan quá phát, viêm VA (tổ chức lympho nằm ở nóc vòm, sau cửa mũi sau) quá phát, tái phát thường xuyên, từng được chỉ định phẫu thuật nhưng trì hoãn. Nắng nóng khiến bệnh tái phát, trẻ được nghỉ hè nên nhiều phụ huynh đưa con đi khám để cắt amidan. Đây cũng là thời điểm phù hợp để gia đình tiện chăm sóc con sau phẫu thuật. Do hậu phẫu, trẻ cần nghỉ ngơi trong hai tuần, ăn thức ăn mềm, lỏng, nguội giúp nhanh lành thương, phòng ngừa nhiễm trùng sau mổ.
Như bé Tú, 4 tuổi, viêm amidan quá phát độ 4 cách đây một năm. Khoảng một tháng trước, bé tái phát bệnh, thường xuyên bỏ ăn, đau rát họng, ho, ngủ ngáy. Mẹ Tú đưa con đến bệnh viện Tâm Anh khám. Sau khi nội soi, khám lâm sàng, bác sĩ chỉ định cắt amidan nhưng gia đình đợi đến đầu tháng 6 phẫu thuật để tiện chăm sóc con sau mổ.
Tương tự, bé Tâm, 6 tuổi, thường xuyên tái phát viêm amidan, sốt, ho, đau họng khoảng 7-8 lần mỗi năm, được chẩn đoán viêm amidan có mủ, viêm VA quá phát. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cách đây ba tháng. Song do trong thời điểm đi học, gia đình hoãn lại. Nắng nóng khiến amidan tái viêm, sưng to, gia đình đưa con đi khám, uống thuốc và cắt amidan trong dịp hè.
Cả hai bệnh nhi được phẫu thuật bằng phương pháp Coblator công nghệ plasma để cắt bỏ ổ viêm amidan và nạo VA qua nội soi. Bác sĩ Hằng cho biết công nghệ này ít xâm lấn, loại bỏ triệt để ổ viêm nhanh, nhẹ nhàng, không làm tổn thương các mô xung quanh.
Sau 30-45 phút, các ổ viêm được loại bỏ hoàn toàn, ít đau, ít chảy máu, hạn chế nguy cơ tái phát. Hai bệnh nhi có thể ăn uống sau phẫu thuật ba giờ và xuất viện sau 24 giờ.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo người bệnh cần ăn các món lỏng, nguội, mềm trong 7 ngày sau mổ, tránh thức ăn cay, nóng và cứng. Không nói quá to, la hét và hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc người bị cảm, viêm họng hoặc cúm trong thời gian này. Người bệnh nên duy trì vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Tái khám sau hai tuần phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của hai bệnh nhi ổn định, khả năng lành thương tốt, không có triệu chứng bất thường.
Trẻ dễ viêm amidan, nhất là trong giai đoạn 3-6 tuổi do hệ miễn dịch yếu, khả năng chống lại mầm bệnh kém. Bệnh không điều trị kịp thời và dứt điểm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm phế quản phổi, viêm cơ tim...
"Không phải trường hợp viêm amidan nào cũng cần phẫu thuật", bác sĩ Hằng nói, thêm rằng sẽ cân nhắc nhiều yếu tố như độ tuổi, nguyên nhân, mức độ viêm, mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe. Trẻ trên 4 tuổi có thể cắt amidan vì lúc này hệ miễn dịch và sức khỏe có thể đáp ứng.
Cắt amidan thường được chỉ định trong các trường hợp viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm, amidan quá phát gây tắc nghẽn đường hô hấp trên như nuốt vướng, ngủ ngáy, hội chứng ngưng thở. Đây là biện pháp cuối cùng và tối ưu để điều trị dứt điểm tình trạng viêm.
Phẫu thuật không khiến sức đề kháng của người bệnh suy giảm mà trái lại còn phòng ngừa nguy cơ bệnh nặng hơn như amidan quá phát gây ngưng thở khi ngủ, áp xe amidan, viêm amidan mạn hốc mủ có bã đậu gây hôi miệng...
Để phòng ngừa bệnh, phụ huynh cần vệ sinh răng miệng trẻ bằng nước muối sinh lý mỗi ngày, cho bé đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ không khí xung quanh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc môi trường khói bụi.
Uyên Trinh
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |