Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Amidan là hai khối màu hồng, nằm giữa đường hô hấp và đường ăn uống, có vai trò ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, virus, sản sinh miễn dịch cho cơ thể.
Amidan là lớp chắn đầu tiên nên bộ phận này thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn, virus... Khi bị tấn công liên tục từ các tác nhân gây hại, amidan bị suy yếu, sưng dẫn đến viêm amidan. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra viêm amidan hốc mủ.
Nguyên nhân
Vi khuẩn, virus là tác nhân hàng đầu dẫn đến amidan hốc mủ.
Môi trường sống ô nhiễm, lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, ăn uống không khoa học, uống rượu bia, vệ sinh răng miệng không sạch cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng
- Đau rát cổ họng.
- Ho khan hoặc ho có đờm.
- Amidan sưng đỏ.
- Tiết dịch màu trắng quanh amidan.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Mệt mỏi.
- Sốt cao.
- Khó khăn khi ăn uống, giao tiếp.
Biến chứng
Viêm amidan hốc mủ không được điều trị đúng cách, kịp thời có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh có thể gặp biến chứng tại chỗ. Tình trạng viêm nhiễm lan rộng sau 5-7 ngày, xuất hiện các ổ mủ khiến người bệnh mệt mỏi, đau họng, sốt cao, ho nhiều, nuốt khó.
Biến chứng các vùng xung quanh xảy ra khi viêm nhiễm amidan lan rộng sang các cơ quan lân cận tai, mũi, họng gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa, viêm thanh khí quản; lan xuống họng vào phổi gây viêm phế quản, viêm phổi.
Viêm amidan hốc mủ tiến triển nặng dẫn đến một số biến chứng toàn thân như phù nề tay chân, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn máu, viêm khớp, suy tim, chèn ép hệ hô hấp, áp lực cho phổi làm người bệnh khó thở. Amidan lớn dần chuyển qua thể viêm amidan quá phát có thể gây ngưng thở khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, suy giảm hiệu quả công việc. Đây cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư, bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, các bệnh lý thần kinh như trầm cảm.
Điều trị
Người bệnh nên súc miệng bằng nước muối mỗi ngày, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hô hấp... để giảm sưng viêm tại vùng amidan.
Sử dụng một số loại thuốc đặc trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc hoặc đơn thuốc của người khác.
Nếu các phương pháp trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan. Phương pháp này còn được chỉ định trong trường hợp amidan biến chứng gây áp xe quanh amidan, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm khớp, viêm cầu thận, tắc nghẽn phổi, nhiễm trùng tái phát thường xuyên.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa viêm amidan hốc mủ, mọi người nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ hằng ngày, súc miệng bằng nước muối, đeo khẩu trang để tránh bụi bẩn từ môi trường xung quanh. Ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia, điều trị kịp thời và đúng cách nếu có dấu hiệu bệnh.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |