Đọc hai bài viết "Giải pháp giao thông cần đứng từ góc nhìn của tài xế" và "Biển báo đánh đố 'bẫy' tài xế Việt", tôi rất đồng tình với quan điểm của các tác giả về những bất cập trong việc bố trí hệ thống biển báo giao thông tại Việt Nam. Qua đây, tôi cũng muốn đóng góp thêm một chút ý kiến để tạo nên cái nhìn tổng thể, góp ý cho bên giao thông sớm có những nghiên cứu, thay đổi sao cho hợp lý nhất.
Bản thân tôi cũng là một tài xế thường xuyên tham gia giao thông bằng ôtô. Yôi rất hiểu nỗi khổ của các bác tài, đặc biệt là những ai thường xuyên phải chạy đường dài mỗi khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, cao tốc. Với hệ thống biển báo trên đường ở Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra ngay một số bất cập khiến người lái xe không khỏi đau đầu tìm cách ứng phó. Tất nhiên, hiện tượng này không phải ở đâu cũng có nhưng nó vẫn tồn tại ở nhiều nơi, trên nhiều cùng đường, gây khó cho người tham gia giao thông.
Vấn đề đầu tiên là về khoảng cách đặt các biển báo và hiệu lực biển báo. Thực tế, khi lái xe trên đường, tầm nhìn của tài xế đôi khi bị hạn chế. Hiện nay, biển báo của ta đa phần được đặt ở lề đường bên phải - phía có làn xe môtô di chuyển, thế nên nhiều khi biển báo bị che khuất bởi cây cối, nhà dân, hoặc các phương tiện khác. Các xe chạy ở làn sát dải phân cách thường sẽ rất khó quan sát được các biển báo nếu đi ở tốc độ cao.
Nhức nhối nhất là khi phát hiện ra biển báo thì có khi xe đã đến sát, không kịp xử lý hoặc dễ bị giật mình dẫn tới mất lái, phanh gấp, ảnh hưởng tới các xe phía sau. Theo tính toán, tầm nhìn chung của mắt người lái xe ở độ xa 30-50m nếu trong điều kiện tối ưu. Thế nên, theo tôi, cần gắn thêm các biển phụ chỉ khoảng cách bắt đầu có hiệu lực của biển báo. Như vậy, tài xế sẽ có một khoảng nhất định, đủ để xử lý tốt hơn. Việc làm đó cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến giao thông nên hoàn toàn có thể áp dụng một cách dễ dàng.
>> Biển báo đánh đố 'bẫy' tài xế Việt
Điểm bất cập thứ hai là quy định tốc độ trong khu đông dân cư và ngoài khu dân cư. Có những khu vực bản thân tôi cũng chẳng biết phải chạy với tốc độ bao nhiêu vì chẳng có cái biển nào thông báo cả. Trong khi đó, lại có nơi gắn biển khu đông dân cư, nhưng tôi chạy mãi đến khi qua cả địa phương khác rồi mà vẫn không thấy biển hết khu đông dân cư đâu (không có biển hoặc biển bị che khuất), không biết đường nào mà lần.
Tóm lại, theo quan điểm của tôi, mục đích của biển báo là để các tài xế phát hiện và xử lý tính huống một cách tốt nhất, điều chỉnh hành vi lái xe, góp phần giữ trật tự cho giao thông. Muốn vậy, đặt biển ở đâu, thế nào cần phải có tính toán một cách cẩn trọng để người lái xe có một khoảng thời gian nhất định trước khi xử lý tính huống. Không phải là bẫy tài xế theo kiểu thấy biển thì sự đã rồi, và lại bị xử phạt dù không cố ý phạm lỗi.
Ngoài việc đặt thêm các biển báo phụ theo kiểu truyền thống, tôi cho rằng sơn kẻ thêm biển báo trên từng làn đường cũng là một giải pháp hay để tài xế dễ dàng phát hiện và tuân thủ. Các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu thay đổi màu sơn hoặc vạch kẻ riêng cho từng khu vực đông dân cư để người lái xe dễ phân biệt hơn thay vì việc chỉ đặt biển báo chỗ thiếu, chỗ đủ như hiện giờ.
Bên cạnh đó, để hệ thống biển báo thực sự phát huy hết hiệu quả, rất cần bên đội ngũ quản lý giao thông thường xuyên kiểm tra, phát hiện bất cập để kịp thời chỉnh sửa, điều chỉnh lại biển báo sao cho phù hợp với tình hình thực tế nhất. Không thể để những trường hợp gắn biển báo tạm để sửa đường rồi mãi không thấy bỏ biển đi khi đường đã sửa xong, chẳng khác nào cái bẫy với người đi đường. Tôi tin rằng chúng ta không thiếu nhân lực và thời gian để làm những việc này, chỉ là vấn đề có được quan tâm và làm quyết liệt hay không mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.