Ở Việt Nam, thái độ hòa hảo, nhã nhặn, hợp tác, nhường nhịn dường như không có trong từ điển của nhiều tài xế. Tình trạng vi phạm luật giao thông như lấn làn ,leo vỉa hè, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, chen lấn... từ lâu đã hình ảnh thường thấy trên đường Việt. Điều đó khiến việc đi lại trên đường trở thành trải nghiệm vô cùng căng thẳng.
Chia sẻ cảm giác lái xe tại Việt Nam, độc giả Lê Ảnh bày tỏ: "Lái xe ở Việt Nam đòi hỏi mỗi người phải thật bình tĩnh và nhanh tay, lẹ mắt để kịp phản ứng trước những tình huống nguy hiểm được gây ra bởi những thành phần sau đây:
- Đội quân trẻ trâu: thích thể hiện, phóng nhanh vượt ẩu, chạy cắt mặt, đánh võng, va quẹt là sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết thắng thua.
- Đội quân 'ninja': chạy không cần nhìn (trùm kín mít từ đầu đến chân), thích rẽ là rẽ, thích dừng là dừng, không hề có dấu hiệu báo trước.
- Đội quân shipper: chạy ẩu, một tay cầm lái một tay bấm điện thoại, một mắt nhìn đường một mắt nhìn màn hình, thường xuyên chạy ngược chiều để tấp vào điểm đến cho tiện.
- Đội quân ma men: chạy ẩu, loạng choạng, mắt mở không nổi, có thể tông vào bạn bất cứ lúc nào.
Đó, cứ nhìn văn hóa giao thông nước ta, tôi chỉ có thể thốt lên hai từ: ngán ngẫm và sợ hãi".
Cùng chung cảm giác lo lắng, bất an mỗi khi lái xe ra đường, bạn đọc Huynhthanhlong chia sẻ: "Lưu thông trên đường, tôi cũng rất sợ khi va chạm phải xe của bất kỳ ai chạy xung quanh. Bởi vì sau khi ngã xuống, nhẹ thì tôi sẽ bị trầy xước xe, xui rủi thì chiếc phía sau sẽ cán lên người. Nhưng đúng là chạy xe ở ta lúc nào cũng phải chịu khó quan sát, không được cố vượt chiếc xe bên cạnh, chậm một chút mà cảm thấy an toàn cho mọi người thì vẫn hơn".
So sánh với thói quen lái xe tại Mỹ, độc giả Trịnh Khánh Hòa nhận định: "Là một công dân Mỹ đã về nghỉ hưu ở Việt Nam được hơn bốn năm. Hàng ngày, tôi vẫn lái xe ra đường, chấp hành luật giao thông như khi ở Mỹ. Tôi luôn sẵn sàng nhường đường cho xe khác và người đi bộ muốn băng qua hay vượt qua, chứ không bao giờ tranh giành; không sử dụng còi xe; không sử dụng đèn cảnh báo... như người Việt. Ấy vậy mà tôi vẫn đến được nơi cần đến, đến đúng giờ và trở về đúng lúc.
Tôi không hiểu sao nhiều người ở Việt Nam cứ phải tranh giành đường; phải bóp còi inh ỏi như thúc ép xe phía trước tránh ra cho mình chạy; phải sử dụng đèn cảnh báo để vượt đèn vàng, đèn đỏ; lấn sang làn ngược chiều...? Lúc bình thường nhiều người Việt rất văn minh, lịch sự sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhưng khi tham gia giao thông thì họ trở nên hung hăng, hiếu thắng".
>> 'Bốn việc cần làm ngay để Hà Nội, TP HCM hết kẹt xe'
Nói về nguyên nhân khiến giao thông Việt Nam hỗn loạn, bạn đọc Afterlastangel cho rằng: "Tôi là một người Việt. Trong một tháng vừa qua, tôi có dịp đi du lịch Mỹ, trải dài qua nhiều bang, tự chạy xe hơn 2.000 dặm. Tôi đồng ý về cái gọi là sự hỗn loạn trên đường phố Việt. Các xe cộ chạy không theo một trật tự nào cả. Tai nạn giao thông ở ta rất nhiều nhưng mỗi cái đều có lý do của nó.
Cách đây hơn 50 năm, phương tiện giao thông chủ yếu của Việt Nam vẫn là đi bộ, và xe đạp. Ở các đất nước phát triển, vấn đề giao thông đã được dạy hàng thế hệ mới tạo thành văn hóa. Còn ở Việt Nam, thử hỏi mấy người cách đây hai thế hệ chưa chắc đã biết được chữ hoặc thậm chí là chạy xe trên đường.
Nhưng một điều nữa là mật độ dân số của ta tăng rất cao. Thực sự giao thông ở các nơi đông dân cư và đang phát triển đều như thế. Nếu có dịp sang thử Ấn Độ, Pakistan, bạn sẽ hiểu. Khi số lượng phương tiện vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng thì không có lời giải hoàn hảo nào cho bài toán giao thông.
Có nguyên nhân rồi, việc giải quyết cũng cần từng bước. Luật giao thông được ban hành ngày càng đi vào thực tiễn, lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, thậm chí là cấm xe đốt trong đang được thực hiện; phát triển các vùng lân cận, giảm mật độ dân số, nâng cao mức sống... Với dân số lớn xếp thứ 15 thế giới, tôi nghĩ rằng cách dễ nhất là người Việt cần chấp nhận nó, cố gắng giữ bình tĩnh, lưu thông thong thả, không bon chen trên đường, sắp xếp thời gian hợp lý, không vội vàng, hạn chế ra đường, sẽ giảm được rủi ro và áp lực".
Gợi ý giải pháp cải thiện văn hóa giao thông trên đường Việt, độc giả Usahanoi nêu quan điểm: "Với nhiều kinh nghiệm ở quốc tế, tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng nếu tập trung vào giải quyết mấy nhóm vấn đề chính sau, thì giao thông tiến theo hướng 'quy ước hơn, an toàn hơn' sẽ được cải thiện rất rõ rệt.
1. Giáo dục và hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, văn minh cần được đưa vào trường học. Các yêu cầu, kỹ năng cần được kiểm tra kỹ khi đào tạo và cấp phép lái xe cả ôtô, xe máy.
2. Quy trình xử phạt nguội các lỗi của xe máy và ôtô, đặc biệt những lỗi gây mất an toàn, kẹt xe và hỗn loạn giao thông, cần được siết chặt.
3. Tổ chức kẻ vạch phân làn chỉn chu, thông minh hơn, đèn tín hiệu, biển báo chuẩn mực ở những nút giao thông. Học hỏi kinh nghiệm tổ chức giao thông của những thành phố có rất nhiều phương tiện hỗn hợp xe máy, ôtô mật độ cao.
4. Bổ sung các điểm đỗ xe, bố trí các địa điểm kinh doanh vị trí phù hợp, không gây mất trật tự và hỗn loạn giao thông. Xử phạt mọi hành vi lấn chiếm lòng, lề đường.
5. Nâng cao năng lực vận tải công cộng, đặc biệt là Metro, Subway để giảm tải mật độ phương tiện cá nhân. Quá tải hạ tầng thúc đẩy bùng phát nhiều tính xấu, như cướp đường, cướp thời gian của người khác (coi thời gian của mình quý hơn thời gian của tất cả người khác cộng lại).
Tôi cho rằng, bốn điểm đầu không tốn quá nhiều kinh phí và thời gian, có thể thực hiện được ngay. Còn điểm thứ năm cần thời gian lâu hơn và nguồn tiền đầu tư khá lớn, nên đó sẽ là giải pháp cuối cùng sau khi đã làm tốt bốn nhiệm vụ trước đó. Làm được vậy, tôi tin tình hình giao thông ở ta sẽ được cải thiện".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.