UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải về việc tiếp tục thí điểm phân làn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến) từ 6/9 đến 31/12. Thực tế, tình trạng xe máy đi vào làn của ôtô và ngược lại vẫn diễn ra trong suốt hơn một tháng vừa qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.
Quá nhiều đường ngang, lối cắt
Là người trực tiếp tham gia giao thông mỗi ngày trên tuyến đường này, độc giả Nobody chỉ ra khó khăn trong việc đi đúng làn quy định: "Ngày nào tôi cũng chạy hơn 10 km từ Ngã Tư Sở đến Văn Phú (Hà Đông). Tôi rất tuyến này có quá nhiều đường ngang, lối cắt, rất nhiều hàng quán hai bên đường, trường học, doanh nghiệp... nên xe cộ đi lại cực kỳ lộn xộn. Trong làn xe máy thì ôtô đậu sát vỉa hè, ôtô đi vào, đi ra; người dân đi nhanh - chậm lẫn lộn, không có kiểu nhanh đi ngoài chậm đi trong nên thường xuyên xung đột. Nhiều người vừa đi vừa bấm điện thoại, chuyển làn vô tội vạ, người đi bộ băng ngang đường, thậm chí sang đường ngay lối xuống hầm vượt... vô cùng hỗn loạn. Mỗi ngày tôi mất bốn lượt qua con đường này, gặp đủ thứ ức chế như vậy. Cho dù tôi muốn đi đúng phần đường dành cho xe máy, nhưng nhiều khi không thể, toàn phải lấn ra làn ôtô đi".
Đồng cảm với những bức xúc khi tham gia giao thông trên đường Nguyễn Trãi sau phân làn, bạn đọc Nguyentuananh nói thêm: "Tôi đã đi qua đoạn đường này rất nhiều lần và không phải lúc nào cũng có thể đi đúng làn đường của mình được. Đường chỉ dài mấy km nhưng có hàng chục ngã rẽ. Đoạn đường này lại có mật độ lưu thông rất lớn, phân làn cũng không phải lan can cứng liền mạch, cứ một đoạn lại mở lối rẽ. Với những người cần sang đường cũng rất khó khăn, chưa kể có vị trí ôtô đỗ hoặc đi chậm để tạt vào lề, hay đi vào làn dành cho xe máy khiến giao thông hỗn loạn. Giờ cao điểm, đường vẫn tắc đường giao, phân làn không hiệu quả".
>> 'Phân làn vô ích vì xe cá nhân quá nhiều'
Tỷ lệ làn đường xe máy - ôtô
Trong khi đó, độc giả Something lại chỉ ra một bất cập khác: "Tôi thấy việc phân làn hiện tại chưa hợp lý: Số lượng xe máy gấp sáu lần ôtô, lượng người chở trên sáu xe máy cũng đương nhiên nhiều hơn một ôtô 5-7 chỗ, diện tích mặt đường cần cho sáu xe máy cũng phải lớn hơn một ôtô. Thế nên, nếu có chia hai làn ôtô, hai làn xe máy thì phần đường cho xe máy cũng đã thiệt rồi. Vậy mà người ta lại chia ba làn ôtô, 1,5 làn cho xe máy thì chuyện ùn tắc là điều dễ thấy. Thay vì cứ loay hoay phân làn, tôi cho rằng việc cần làm là bịt hết các điểm quay đầu, dành riêng một làn quay đầu ở hai ngã tư lớn là xong".
Xe buýt đi ẩu
Một nguyên nhân khác dẫn đến xung đột giao thông tại đường Nguyễn trãi được bạn đọc Mít chỉ ra là thói quen đi ẩu của các tài xế xe buýt: "Tôi thường xuyên đi làm qua đoạn đường này, nhận thấy tình trạng giao thông sau khi phân làn dù được cải thiện, tuy nhiên, về xe buýt vẫn là nguyên nhân chính khiến ùn tắc kéo dài. Xe buýt thường xuyên tạt ngang đầu xe máy để vào bến đón khách, rồi lại tạt xiên ra làn ôtô. Với khổ xe đồ sộ ra vào liên tục như thế đã làm ách tắc cục bộ do các phương tiện khác phải dừng lại để nhường đường cho xe buýt ra vào bến".
Đồng quan điểm, độc giả Dương Minh bổ sung thêm: "Theo ý kiến cá nhân tôi, nên hạn chế dần các tuyến xe buýt trên đường Nguyễn Trãi vì đường sắt trên cao đã đi vào hoạt động. Khi giảm lượng xe buýt dọc tuyến đường, người dân sẽ sử dụng đường sắt trên cao làm phương tiện đi lại nhiều hơn. Xe buýt chạy trên đường thường rất ẩu, đặc biệt là lối lên cầu vượt Ngã Tư Sở, liên tục cắt ngang đường để lên cầu khiến các xe đi đường bị ùn lại, dẫn tới cảnh tắc đường".
Ý thức giao thông
Nhấn mạnh việc chấp hành luật giao thông, quy định phân làn của người đi đường chưa tốt là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ùn tắc, bạn đọc Hoàng Đỗ bày tỏ: "Lực lượng chức năng nên làm quyết liệt trên diện rộng, phối hợp, chặn bắt, ghi hình biển số để xử phạt tất cả đối tượng vi phạm giao thông, tránh tình trạng 'dễ thì bắt, khó thì bỏ'. Các lỗi chính cần xử lý là vượt đèn đỏ, lấn làn, đi tắt ngược chiều... Cơ quan chức năng cũng cần đo đếm lượng phương tiện theo khung giờ thực tế để điều chỉnh thời gian chờ đèn đỏ; loại bỏ các loại đèn xanh siêu ngắn dưới 20 giây, đèn đỏ siêu dài trên 100 giây.
Chúng ta có thể học tập Ấn Độ và một số nước, lắp thêm biển số đằng trước xe máy cho dễ quan sát, ghi hình, số hóa và tích hợp dữ liệu biển số xe vào Căn cước công dân để xử phạt các xe đi sai, đi ẩu. Mạnh tay thu giữ các xe không đăng ký hoặc biển giả. Lắp thêm nhiều camera giao thông, tăng cường lực lượng tuần tra giao thông xử lý vi phạm trên tất cả các tuyến phố.
Những việc này không quá khó, nhưng nếu làm được, làm thường xuyên, tôi tin chỉ sau vài tháng là ý thức người tham gia giao thông sẽ tự động tốt lên, an ninh an toàn giao thông được cải thiện. Lúc đó, chất lượng giao thông Việt Nam sẽ không kém các nước trong khu vực mà chưa cần các biện pháp khó khăn hơn như chặn các cửa ngõ, thu phí vào nội đô, cấm xe máy..."
Việc thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi được thực hiện từ 6/8 và dự kiến diễn ra trong một tháng. Theo phương án phân làn, hai làn sát vỉa hè đường Nguyễn Trãi dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt; 3-4 làn sát dải phân cách giữa dành cho ôtô. Việc điều chỉnh phân làn và phương tiện được thực hiện bằng dải phân cách cứng như mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động... kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.