CSGT TP HCM vừa có đề xuất nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ, quận 1, để tổ chức giao thông cho xe theo đèn tín hiệu đi qua giao lộ. Vòng xoay được xây dựng tại đây hơn nhiều năm trước, đường kính khoảng 60 m, đang trồng nhiều cây xanh. Giữa vòng xoay có tháp đồng hồ 4 mặt, cao khoảng 16 m, được xem là biểu tượng ở nút giao. Hiện, khu vực không có đèn tín hiệu giao thông mà cho xe chạy theo vòng xoay để quay đầu, vào đường xung quanh.
Ủng hộ đề xuất này, độc giả Van Hung nhận định: "Về quy hoạch giao thông thì các ngã tư khi bỏ vòng xoay sẽ hợp lý về mặt giao thông hơn. Vòng xoay chỉ thích hợp với các ngã năm, ngã sáu mà thôi. Còn với ngã tư, điều tiết bằng đèn tín hiệu và kết hợp camera phạt nguội sẽ hiệu quả hơn nhiều. Từ đó, chúng ta có thể dần dần tiến tới các quy hoạch tổng thể (bỏ các vòng xoay và xây dựng hệ thống giao thông bằng đen tín hiệu, kết hợp với phân làn, xây cầu vượt...).
Ở Việt Nam, tôi cho rằng dùng đèn tín hiệu vẫn hiệu quả hơn so với vòng xoay, bởi ý thức dân mình khi tham gia giao thông còn kém. Ngay cả việc dừng đèn đỏ thôi, tôi đã thấy nhiều người thiếu ý thức. Trước đây, tôi từng sống ở nước ngoài một thời gian, và thấy người dân ở đó dừng đèn đỏ rất có ý thức, lái xe luôn lùi lại để các phương tiện khác sang đường".
Đồng quan điểm, bạn đọc Pham Hai Chi Thanh cho rằng: "Dỡ bỏ vòng xoay là việc làm không phù hợp với tiến bộ xã hội, nhưng ở Việt Nam thì nó hoàn toàn đúng đắn. Đó là một biện pháp tạm thời trước mắt, là tình thế bắt buộc phải làm. Yếu tố con người luôn là trung tâm (mọi người khi gặp vòng xoay không biết đi như thế nào cho đúng, để tránh ùn ứ). Muốn vậy chúng ta cần tăng cường đào tạo, phổ biến kiến thức ngay từ trong nhà trường. Tuy nhiên, điều đó cần nhiều thời gian, nên bỏ vòng xoay sẽ là giải pháp phù hợp lúc này".
"Ở các nước châu Âu, châu Mỹ hoặc các nước mà phương tiện di chuyển chính của người dân là xe hơi thì khi vào khu vực vòng xuyến, mọi người sẽ dễ dàng đi theo quy định vòng xuyến trong luật giao thông đường bộ. Còn như Việt Nam ta, phương tiện chính là xe hai bánh nên khi đến giờ cao điểm, đa phần chúng ta sẽ áp dụng quy tắc tiên đâu chạy đó, ở đâu leo lên, lách qua được là đi. Thế nên, nếu có vòng xuyến thì sẽ càng dễ kẹt xe, ùn tắc hơn là dùng đèn tín hiệu", độc giả Annie Trat bổ sung thêm.
>> 'Giải pháp giao thông cần đứng từ góc nhìn của tài xế'
Theo nhiều chuyên gia, thông thường với giao lộ rộng và có nhiều ngả đường, việc tổ chức giao thông theo đèn tín hiệu rất khó giảm giao cắt giữa các hướng đi. Bởi theo chu kỳ đèn, xe ở hướng này có thể chưa thoát khỏi nút giao, hướng khác đã dồn đến dễ gây ùn tắc.
Đó cũng là lo lắng của bạn đọc Phong Van Li Bang: "Lỗi đâu phải tại cái vòng xoay? Giờ cao điểm thì cả con đường đều kẹt chứ đâu phải chỉ ùn ứ ở đúng chỗ vòng xoay. Thế nên, bỏ vòng xoay chỉ vừa mất thẩm mỹ lại vừa phải cử thêm người điều tiết giao thông, rất tốn kém. Tóm lạị, tôi cho rằng hành động này sẽ lợi bất cập hại, không nên làm, vừa tốn kém kinh phí vừa không giải quyết được gốc của vấn đề".
Có cùng suy nghĩ, độc giả Duc Nguyen phân tích: "Vòng xoay mới là giải pháp giảm tắc đường. Cả thế giới đang thay đổi theo hướng không dùng đèn tín hiệu mà thay bằng vòng xoay. Vậy nên, thật khó hiểu khi Việt Nam lại muốn làm điều ngược lại. Nếu lượng xe quá đông, chúng ta có thể dùng phương pháp đường một chiều hoặc chia ngách. Với nhiều năm tham gia giao thông trên khắp châu Âu, tôi hiểu rằng giao thông các nước đang chuyển đổi từ đèn tín hiệu sang vòng xoay để tránh ùn tắc. Kể cả nhiều ngã tư, ngã năm nhỏ, nhưng họ vẫn tìm cách khắc phục để xe có thể đi vào vòng xoay bình thường".
Không ủng hộ đều xuất bỏ vòng xoay thay bằng tín hiệu đèn, bạn đọc Iluxman kết lại: "Hiện tại có vòng xoay (không có đèn tín hiệu), lúc cao điểm tuy làn xe đông nhưng vẫn cứ từ từ di chuyển trơn tru, hiếm khi nào tôi đi qua nơi này bị kẹt xe. Còn theo đề xuất, các ngả đường vào vòng xoay đều phải có đèn tín hiệu, khi đó chắc chắn thời gian chờ đèn sẽ khá lâu. Cứ mỗi vài giây lượng xe không di chuyển là có thêm một lượng lớn xe khác nối tiếp, cứ thế sẽ làm tăng khả năng ùn tắc tại khu vực giao lộ. Thay vì đề xuất dẹp vòng xoay ở nơi hiếm khi kẹt xe, tôi cho rằng hãy nghiên cứu đề xuất ở những điểm luôn nghẽn khác ở thành phố. Còn những nơi nào bấy lâu nay luôn khá ổn thì hãy cứ để nó như vậy".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.