Trong bài viết "Giải pháp giao thông cần đứng từ góc nhìn của tài xế", tác giả Nguyen Hai Cuong đề cập đến những bất cập trong hệ thống quản lý giao thông ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, điển hình nhất là tình trạng hệ thống biển báo giao thông thiếu đồng bộ, không rõ ràng, đôi khi là đánh đố tài xế khiến nhiều người khó khăn trong việc lái xe, vô tình phạm luật mà không hề hay biết.
Đồng cảm với nỗi bức xúc này, độc giả Đoàn Liêm Dnai chia sẻ: "Thật sự nhiều lúc tôi đang chạy xe mà phải giật mình vì không biết đường này cho chạy tốc độ bao nhiêu? Nên cứ căn trong khoảng vận tốc 50-60 km/h để chạy cho đỡ bị thổi phật thì xe phía sau lại bóp còi inh ỏi, hối thúc tôi chạy nhanh lên. Tôi thiết nghĩ cơ quan chức năng nên sớm áp dụng biện pháp sơn tốc độ cho phép xuống làn đường như đường Võ Văn Kiệt đang áp dụng để tránh làm khó tài xế".
Cũng từng trải qua cảm giác bất an khi lái xe vì biển báo không rõ ràng, bạn đọc PO bình luận: "Gần mấy trạm thu phí trên Quốc lộ 51 có đặt biển hạn chế 50 km/h để các phương tiện giảm tốc khi vào trạm. Giờ trạm đã dừng thu phí nhưng người ta vẫn để cái biển đó lại (tốc độ thực tế trên tuyến này là 70 km/h). Thế là vô số tài xế khóc ròng vì cái biển quái ác làm chuyến đi đột ngột phát sinh chi phí khủng".
Độc giả Boss Lý cũng gặp rắc rối tương tự: "Trên đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn ngay cầu vào thành phố Bắc Giang có đặt biển 40 km/h của đội sửa đường. Nhưng sau làm xong, họ vẫn để biển ở đó. Thực sự, tôi không biết nên đi như thế nào vì trước cái biển đó tầm 40 m là biển 70 km/h và sau đó cũng tầm 100 m lại là một biển 70 km/h. Rất nhiều xe đi đến đó vẫn giữ vận tốc 70 km/h, tôi mà đi 40 km/h sẽ rất dễ bị xe sau húc vào".
"Tôi thấy biển báo khu vực dân cư hay hết khu vực dân cư (để hạn chế tốc độ hay hết hạn chế tốc độ) cũng là cái bẫy cho tài xế. Thông thường người ta chỉ cắm đầu khu dân cư một biển và cuối khu dân cư một biển. Nếu bạn đi từ trong đường hẻm ra thì làm sao biết được bạn đang ở khu vực nào mà chạy cho đúng? Tại sao không sử dụng bằng cách dùng màu sơn kẻ vạch trên đường, ví dụ nếu đường trong khu dân cư thì màu sơn vàng để kẻ vạch làn đường, ngoài khu dân cư thì dùng màu trắng. Làm vậy tài xế nào nhìn cũng biết ngay", bạn đọc Loclehuu nói thêm.
>> 'Ngán ngẩm và sợ hãi khi lái xe ở Việt Nam'
Mỗi khi nói tới giao thông Việt, người ta hay đề cập đến câu chuyện ý thức lái xe. Tuy nhiên thực tế, ở một số tuyến đường, chính việc tổ chức giao thông, bố trí vạch kẻ đường, biển báo lại khiến người tham gia giao thông bối rối, không biết đâu mà lần, thậm chí đứng trước nguy cơ bị xử phạt oan, mất an toàn giao thông.
Đó cũng là nỗi trăn trở của độc giả Achip: "Nên đứng từ góc nhìn của tài xế để điều chỉnh lại các biển báo trên đường cho đỡ 'bẫy' người lái xe. Ví dụ:
- Đoạn từ Quốc lộ 1 (Long Khánh - Đồng Nai ra đến TP Phan Thiết) có biển cấm vượt và cho vượt chỉ cách nhau vài trăm mét, cứ vậy liên tục trên một đoạn dài, nên rất khó cho tài xế hiểu đúng để không vi phạm.
- Biển đông dân cư nhưng lại cắm ở nhiều nơi ít dân cư, như đoạn Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận. Tôi cho rằng, nên so sánh với khu vực ít dân cư gần đó để xem mật độ dân thế nào trước khi đặt biển.
Ưu tiên việc lưu thông hàng hóa, đường sá thông thoáng là hạnh phúc người đi đường. Ngoài việc kéo giảm tai nạn giao thông, tôi cho rằng cũng nên có tiêu chí tính tốc độ trung bình qua các tỉnh thành để đánh giá xem biển báo có cản trở người đi đường hay không?".
Bạn đọc Minh Do cho rằng việc đặt biển báo đánh đố sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực: "Người nước ngoài sẽ không thể hiểu biển báo ở Việt Nam vì chỗ thì có biển báo ghi tốc độ giới hạn, chỗ lại biển báo khu vực dân cư. Theo tôi, cần thống nhất một loại biển báo hạn chế tốc độ và thể hiện sao cho tài xế đều thấy được dễ dàng: bên phải, bên trái, long môn, lòng đường... Biển đặt bên phải như hiện nay rất dễ bị che khuất bởi các xe tải chạy song song, nên mỗi giao lộ cần có ghi tốc độ thêm ở lòng đường hoặc bên trái - nơi có dãy phân cách cứng, hoặc treo ở long môn.
Nhiều khi tôi chạy mà không biết mình đang đi trên đường quy định tốc độ bao nhiêu dù lúc nào cũng tâm niệm sẽ luôn tuân thủ luật lệ. Nếu không muốn vi phạm, tôi chỉ còn cách duy nhất là đi theo giới hạn thấp nhất: có dãy phân cách thì chạy không quá 60 km/h, không có dãy phân cách thì 50 km/h. Tuy nhiên làm vậy lại vô tình cản trở những người biết giới hạn tốc độ của đường này cao hơn. Khi CSGT phạt vi phạm thì nên để người vi phạm tâm phục, khẩu phục thay vì bức xúc bởi không biết mà vẫn bị phạt".
"Hòa nhập với quốc tế, ký hiệp ước cấp bằng quốc tế thì chúng ta phải áp dụng biển báo theo chuẩn của quốc tế, để người nước ngoài sang Việt Nam còn lái xe được. Đằng này, tôi thấy mỗi tỉnh, mỗi địa phương lại mạnh ai nấy cắm, biển báo mọc lên như nấm một cách vô tội vạ. Biển báo là để báo hiệu cho tài xế chứ không phải để đánh đố tài xế, để gài bẫy tài xế rồi xử phạt", độc giả Người Dân Việt kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.