Tai nạn hay va chạm giao thông là điều mà không một ai mong muốn. Vấn đề ý thức tham gia giao thông, nâng cao kỹ năng lái xe của các tài xế là điều đã được nhiều người nói tới để giảm thiểu tai nạn. Tuy nhiên, ngoài những điều đó, từ góc độ một tài xế thường xuyên lái xe trên đường, tôi cho rằng rất cần phải có những thay ở vai trò quản lý của cơ quan chức năng. Tôi tin đó cũng là điều mà rất nhiều người tham gia giao thông ở Việt Nam mong mỏi lúc này.
Quy định về vận tốc
Để giảm thiểu tai nạn, việc quy định vận tốc là tối quan trọng. Nhưng hiện tại, cứ đi dọc các cung đường liên tỉnh, có thể dễ dàng nhận ra một thực tế là các biển báo vận tốc như thể đánh đố tài xế. Điển hình nhất là các bất cập: biển bị che khuất sau lùm cây; không có biển nhắc lại nên khi vô tình bị che mất tầm nhìn, các tài xe (đặc biệt là xe lớn) sẽ không thể biết để tuân thủ quy định của biển báo. Ở đây, tài xế có thể chỉ là vô ý, lơ đễnh, hoặc vì các lý do khách quan, không biết phải chạy với tốc độ bao nhiêu, nên đa phần chạy chậm, dẫn đến các xe sau vượt ẩu, gây nguy cơ xảy ra tai nạn.
Vậy giải pháp ở đây là gì? Theo tôi, có thể áp dụng những hành động sau: in vận tốc giới hạn xuống lòng đường và nhắc lại sau mỗi 5 km (với vận tốc trên 60 km/h); in vận tốc giới hạn xuống lòng đường bằng màu đỏ với các khu vực đông dân cư hoặc vận tốc giới hạn dưới 60 km /h và nhắc lại mỗi 2 km; đặt các giờ giảm tốc nhỏ cách 200 m ở những nơi ngã 3 ngã tư thường xuyên xảy ra tai nạn.
Thay đổi phương thức xử phạt
Hiện nay, đa số các trường hợp vi phạm luật giao thông đều bị xử phạt theo quy trình: giam bằng và lên đóng phạt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều này hoàn toàn không làm cho người vi phạm giao thông hiểu và nhận thức được rõ ràng những lỗi mình mắc phải, để từ đó rút kinh nghiệm và không tái phạm nữa.
Thay vào đó, tôi cho rằng, nên có quy định bắt buộc người vi phạm phải xem (học) các video tai nạn giao thông từ những lỗi mình mắc phải. Từ đó, họ sẽ hiểu được các nguyên nhân gây ra tai nạn, ý thức được hành động của mình, từ đó thay đổi để giảm thiểu những tai nạn không đáng có do lỗi tương tự.
>> 'Ngán ngẩm và sợ hãi khi lái xe ở Việt Nam'
Bổ sung những trang bị hỗ trợ cảnh báo
Từ kinh nghiệm lái xe thực tế, tôi cho rằng các ôtô cá nhân, xe tải, xe khách... cần phải có những trang bị cảnh báo bao gồm: bộ đèn (có dây dài tối tiểu 15 m) để đặt cảnh báo khi xe gặp sự cố hỏng hóc dọc đường, giúp các tài xế khác kịp thời xử lý, tránh để gây ra va chạm; tam giác phản quang; đèn chớp vàng... Tất cả bộ trang bị này nên do cơ quan Nhà nước công bố và bắt buộc mỗi xe phải mang theo, xem như một phần không thể tách rời khi tham gia giao thông.
Phạt nặng tình trạng xử dụng đèn pha, đèn led
Ngày càng có nhiều tài xế tự trang bị thêm đèn chiếu led gắn phía trước khi tham gia giao thông. Điều đó luôn là nỗi ám ảnh với các xe đối diện vì người lái dễ bị lóa mắt, không làm chủ được tay lái. Thế nhưng, thực tế, có rất ít trường hợp bị xử phạt vì lỗi này do không có đủ lực lượng tuần tra, giám sát trên đường. Vậy nên, tôi cho rằng, cần tăng mức xử phạt đối với những tài xế gắn thêm những đèn không cần thiết này.
Số điện thoại phản ánh giao thông
Người Việt rất cần có một đường dây "nóng, ứng dụng hay trang web để kịp thời phản ánh tình trạng đường sá và những vi phạm bắt gặp được trên đường. Tất nhiên, đi kèm với đó là một bộ phận trực 24/7 sẵn sàng tiếp nhận và xử lý ngay các vấn đề do người dân báo về. Chỉ có sự chung tay phối hợp từ chính những người tham gia giao thông, cơ quan chức năng mới có thể kiểm soát tốt nhất tình hình chấp hành luật giao thông đường bộ.
Tóm lại, chúng ta cần phải có một kế hoạch đồng bộ nhằm quyết liệt thay đổi những thói quen lái xe của người Việt, khắc phục những bất cập còn tồi tại của giao thông Việt. Đó sẽ là tiền đề để hướng tới một hệ thống giao thông an toàn, thuận tiện cho người dân.