Để chẩn đoán các bệnh liên quan đến tâm thần, thần kinh, bác sĩ thường thăm khám trực tiếp và sử dụng bảng câu hỏi, bài kiểm tra. Theo tờ Very Well Mind (Mỹ), các xét nghiệm về trầm cảm thường tập trung vào việc kiểm tra sức khỏe tổng thể của người bệnh và loại trừ các tình trạng y tế có thể góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm. Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để phân biệt trầm cảm với tình trạng mệt mỏi, tâm trạng kém, thay đổi cân nặng... Các xét nghiệm thông thường có thể được dùng như xét nghiệm tuyến giáp, xét nghiệm đường huyết lúc đói, xét nghiệm folate và vitamin B12...
Công thức máu toàn bộ (CBC): xem xét các loại tế bào khác nhau được tìm thấy trong máu và đếm xem có bao nhiêu loại tế bào. Xét nghiệm có thể được sử dụng để kiểm tra tình trạng thiếu máu hoặc nhiễm trùng, cả hai đều có thể dẫn đến mệt mỏi giống như trầm cảm.
Xét nghiệm tuyến giáp: giúp kiểm tra máu để tìm mức độ hormone do tuyến giáp sản xuất. Nếu tuyến giáp hoạt động kém hoặc quá mức, người bệnh hay gặp các triệu chứng tâm trạng kém, có thể nhầm lẫn với trầm cảm.
Creatinin và nitơ urê trong máu (BUN): mức độ creatinin và nitơ urê trong máu phản ánh mức độ hoạt động của thận. Bệnh thận có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự như trầm cảm. Bác sĩ cũng cần biết chức năng thận của bệnh nhân có bị suy giảm hay không trước khi kê đơn thuốc chống trầm cảm. Khi thận không hoạt động tốt, chúng có thể không chuyển hóa được một số loại thuốc đúng cách.
Xét nghiệm chức năng gan: người bị viêm gan hoặc bị tổn thương gan có thể phát hiện được bằng xét nghiệm máu đơn giản. Nếu gan của một người không hoạt động tốt, nó cũng có thể cho thấy việc lạm dụng rượu. Trong khi lạm dụng rượu cũng thường xảy ra với người trầm cảm. Giống như với thận, bác sĩ cần biết tình trạng gan của bệnh nhân đang hoạt động như thế nào trước khi kê thuốc.
Glucose trong máu lúc đói: giúp xem xét lượng đường trong máu sau một đêm nhịn ăn có thể được sử dụng để phát hiện bệnh tiểu đường. Mặc dù mối liên hệ chính xác vẫn chưa rõ ràng, nhưng bệnh trầm cảm và bệnh tiểu đường thường xảy ra cùng nhau. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Xét nghiệm máu cũng giúp bác sĩ kiểm tra mức đường huyết trước khi kê đơn thuốc điều trị trầm cảm nếu bệnh nhân bị tình trạng này.
Cholesterol: các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên quan giữa cholesterol với bệnh trầm cảm, nhưng mức độ cholesterol ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của một người. Do đó, xét nghiệm máu giúp phát hiện xem người bệnh có mức cholesterol cao hay không vì cholesterol làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Xét nghiệm máu trong chẩn đoán trầm cảm là để bác sĩ kiểm tra cholesterol của bệnh nhân trước khi kê một số loại thuốc chống trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến mức độ cơ thể.
Hàm lượng folate và vitamin B1: mức độ thấp của folate (vitamin B9) hoặc vitamin B12 có thể chỉ ra một tình trạng gọi là thiếu máu ác tính, thường gây ra các triệu chứng trầm cảm.
Khi có kết quả xét nghiệm, nếu người bệnh mắc một trong các bệnh lý như suy giáp hoặc tiểu đường, bác sĩ sẽ kê thuốc cho tình trạng bệnh lý cụ thể và họ có thể thấy các triệu chứng trầm cảm thuyên giảm ngay sau khi điều trị. Nếu kết quả cho thấy, bạn có lượng cholesterol cao, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thực hiện một số thay đổi lối sống. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên cũng giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm.
Trường hợp xét nghiệm máu cho thấy hầu hết các bệnh lý đều bình thường, bác sĩ sẽ loại trừ tình trạng trầm cảm của bạn xảy ra do những nguyên nhân này và đi tìm nguyên nhân tiềm ẩn khác để điều trị phù hợp.
Anh Chi (Theo Very WellMind)