TS.BS Vũ Trường Khanh (Trưởng Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) dẫn một nghiên cứu về tỷ lệ tái xuất hiện vi khuẩn H.P trong dạ dày cho thấy, ở Việt Nam tỷ lệ tái xuất hiện H.P rất cao. Trung bình 11 tháng sau diệt hoàn toàn, vi khuẩn H.P tái xuất hiện trong dạ dày là 23,5%, trong đó tái nhiễm (là tình trạng đã điều trị khỏi hoàn toàn sau đó lại nhiễm mới) là 9,7% và tái phát là 13,8%. Khi dùng thuốc diệt H.P, vi khuẩn giảm về mặt số lượng, không còn phát hiện được H.P tại dạ dày nhưng sau đó vi khuẩn lại nhân lên và tái phát.
Theo bác sĩ Khanh, ngược lại với nước ta, tỷ lệ tái xuất hiện H.P trong dạ dày ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Phần Lan là rất thấp, một số nghiên cứu cho thấy chỉ 0,2-2%.
![Người nhiễm vi khuẩn HP thường có triệu chứng đau bụng, khó chịu, rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/21/tai-nhiem-hp-2275-1647866020.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LzEV7B9rS7w_0C5BasjVoA)
Người nhiễm vi khuẩn HP thường có triệu chứng đau bụng, khó chịu, rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock
Làm rõ về nguyên vì sao Việt Nam lại có tỷ lệ tái nhiễm H.P cao, TS.BS Vũ Trường Khanh lý giải, sau khi một người được tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn H.P, họ có thể tái nhiễm trong khi sinh hoạt chung cùng gia đình và cộng đồng, tức vi khuẩn H.P mới xâm nhập vào. Khả năng thứ hai là khi diệt vi khuẩn H.P, vi khuẩn đã chưa hoàn toàn bị tiêu diệt hết mà chỉ giảm về số lượng nhưng vi khuẩn rất nhỏ mà các phương pháp không thể phát hiện ra được.
"Tại nước ta, việc mua kháng sinh không kê đơn quá dễ, tình trạng kháng kháng sinh cao khiến tiêu diệt vi khuẩn H.P trở nên khó khăn hơn, làm tăng tỷ lệ tái xuất vi khuẩn H.P. Không chỉ nghiên cứu năm 2005 mà mới đây cũng có một nghiên cứu mới chứng minh kể cả điều trị H.P hết hoàn toàn thì khả năng trung bình sau khoảng một năm, tỷ lệ tái nhiễm chiếm khoảng 10%", bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, H.P lây qua đường nước bọt nên để ngăn ngừa tái nhiễm H.P hiệu quả, người dân không nên ăn uống chung đụng. Thói quen của người Việt là hay gắp thức ăn cho nhau, chấm chung bát,... tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến lây nhiễm H.P. Nếu muốn không tái nhiễm cần phải thay đổi thói quen ăn uống.
Bên cạnh đó, người lớn, trẻ em cần hạn chế ăn các đồ ăn sống, uống nước sạch.
![Thói quen ăn uống chung đụng có liên quan đến khả năng lây nhiễm H.P. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/21/an-uong-chung-dung-8185-1647866020.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nSVlEMIQy-zzSe_CCql7CA)
Thói quen ăn uống chung đụng có liên quan đến khả năng lây nhiễm H.P. Ảnh: Freepik
Bác sĩ Khanh khuyên, nếu được nên chia khẩu phần ăn thành phần nhỏ cho từng người để hạn chế tối đa chung đụng trong bữa ăn. Các mẹ cũng nên bỏ thói quen mớm cơm cho con. Vi khuẩn H.P lây qua đường tiêu hóa, từ người này sang người khác và cũng đào thải qua đường tiêu hóa nên việc đi tiêu không đảm bảo vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan. Do đó, người lớn, trẻ nhỏ nên vệ sinh tay kỹ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Theo bác sĩ Khanh, nhiều người Việt nhiễm vi khuẩn H.P nhưng những người nhiễm khuẩn không triệu chứng thì không cần điều trị. Thậm chí, xuất huyết dạ dày không rõ căn nguyên hay giảm tiểu cầu cũng chưa cần thiết phải đi xét nghiệm vi khuẩn H.P vì dễ gây lãng phí. Chỉ nên xét nghiệm H.P khi có triệu chứng về đường tiêu hóa kèm theo tiền sử gia đình ung thư dạ dày.
Anh Chi