Khi mới chào đời, trẻ sơ sinh dễ bị phát ban, gặp vấn đề về da, trong đó có mụn trứng cá. Đây là tình trạng rối loạn viêm liên quan đến các tuyến dầu kết nối với nang lông trên da. Sau sinh khoảng 6 tuần, da trẻ có thể xuất hiện các nốt mụn trứng cá nhỏ màu đỏ hoặc trắng gây sưng. Khi nhìn bằng mắt thường, mụn trứng cá ở trẻ tương tự như mụn của thiếu niên trong tuổi dậy thì.
Mụn thường mọc dày đặc trên mặt trẻ, nhất là ở má và vùng mũi. Ở một số trường hợp, mụn có thể lan rộng đến da đầu, cổ, cằm, lưng, ngực. Nếu trẻ quấy khóc, bỏ bú... các nốt mụn sẽ khó lành, lâu khỏi. Bên cạnh các nốt mụn nhỏ, da trẻ có thể hình thành u nang, nốt sần có thể để lại sẹo.
Theo các chuyên gia, đến nay nguyên nhân trực tiếp gây mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng lượng hormone testosterone cao, nấm malassezia (hình thành do bã nhờn trên da) khiến da bé dễ nổi mụn.
Cùng với đó, da trẻ mới sinh khá mỏng, dễ dị ứng hoặc kích ứng với sữa, một số loại kem dưỡng da, xà phòng... hoặc môi trường xung quanh nên mụn trứng cá dễ bùng phát. Đặc biệt, các loại vải thô, quần áo giặt bằng chất tẩy rửa mạnh có thể khiến da bị viêm nhiễm, mụn mọc lan rộng.
Ngoài ra, một số loại thuốc, bệnh do virus và phản ứng dị ứng cũng có thể gây ra phát ban giống mụn trứng cá. Nếu trẻ phát ban hoặc nổi mụn giống như sau khi bị ốm hoặc dùng một loại thuốc mới, cha mẹ cần đưa con đi khám để bác sĩ chẩn đoán, đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Với những nguyên nhân trên, để phòng, điều trị hiệu quả mụn trứng cá cho trẻ mới chào đời, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp: vệ sinh da đúng cách cho trẻ, lau nhẹ nhàng, không chà xát hoặc chạm vào các nốt mụn trứng cá đang có dấu hiệu sưng, tấy đỏ hoặc nhiễm trùng. Người chăm sóc cần rửa vùng da nổi mụn của trẻ cẩn thận bằng khăn sạch, mềm ít nhất 2 lần mỗi ngày, tránh sử dụng các sản phẩm dành cho da dầu, tiềm ẩn nguy cơ gây viêm nhiễm.
Phụ huynh dùng nước ấm, tránh nước nóng có thể gây bỏng hoặc làm loét nốt mụn khi vệ sinh cho trẻ, không dùng các sản phẩm chăm sóc da dầu hoặc nhờn để bôi cho bé. Ngoài ra, cha mẹ tránh bóp hoặc nặn nốt mụn trên da trẻ bởi có thể gây tổn thương trên da sẽ khó lành, gây kích ứng, để lại sẹo.
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh thường tự khỏi. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất nhiều thời gian, có thể thể tồn tại từ 6 tháng đến một năm, một số bé có thể bị mụn trứng cá khi ở tuổi thiếu niên. Trong một số trường hợp, chuyên gia có thể kê đơn thuốc gồm kem hoặc gel kháng sinh để ngăn ngừa sẹo.
Học viện Da liễu Mỹ (AAD) khuyến cáo với trẻ sơ sinh bị mụn trứng cá, phụ huynh không được sử dụng các sản phẩm điều trị mụn, trừ trường hợp được bác sĩ tư vấn. Khi da bé xuất hiện mụn đầu đen, mụn bọc có mủ gây viêm nặng, đau đớn, gia đình cần đưa con đi khám để bác sĩ tư vấn biện pháp chữa trị triệt để. Nếu mụn không hết sau vài tháng điều trị, chuyên gia sẽ kê thêm kem dưỡng da để trị mụn.
Minh Thúy (Theo Very Well Health, Medicalnewstoday, Healthline)