Tình yêu giữa người thân, bạn bè hay một nửa kia đều mang lại lợi ích cho trái tim. Ngược lại, đổ vỡ trong tình yêu, cảm giác thất tình đôi khi có thể gây ra tác động tiêu cực đến tim.
Tim đau nhức
Chia tay mối tình có thể gây ra nỗi đau thể xác, ảnh hưởng đến tâm lý. Các chuyên gia cho rằng nỗi đau về tinh thần và thể xác đều được xử lý ở cùng một vùng não, có thể do hệ thống giao cảm và phó giao cảm được kích hoạt đồng thời.
Hệ thống giao cảm là một phần của hệ thống thần kinh, chịu trách nhiệm xử lý các chức năng tiêu hóa và sản xuất nước bọt. Mặt khác, hệ thống thần kinh này còn kích thích cơ thể chọn phản ứng "bỏ chạy" hay "chống trả" với mối đe dọa. Điều này có thể làm tăng nhịp tim, nhịp thở, tăng hoạt động cơ bắp khiến cơ thể khó chịu, thậm chí đau tức vùng ngực.
Một số giả thuyết còn cho rằng khoảng thời gian yêu đương không tác động tới mức độ đau lòng mà người trong cuộc phải trải qua. Cho dù bạn đã ở bên nửa kia được vài tháng hay vài năm thì vẫn có thể gây ra mức tổn thương như nhau.
Nhịp tim nhanh
Trạng thái này không chỉ xảy ra khi ở bên người yêu mà cũng có thể gặp sau chia tay. Để đối phó với căng thẳng khi thất tình, cơ thể bắt đầu tiết ra một lượng lớn hormone như cortisol và adrenaline. Hàm lượng adrenaline tăng cao khiến nhịp tim nhanh hơn, xuất hiện tình trạng đánh trống ngực. Đây còn gọi là phản ứng căng thẳng cấp tính xuất hiện khi có yếu tố gây khiếp sợ về thể xác và tinh thần.
Phản ứng này bị khơi mào do sự phóng thích các hormone này. Theo Mayo Clinic, chính cơ chế bảo vệ sinh học này giúp một người có thể vượt qua những tình huống căng thẳng.
Huyết áp tăng
Căng thẳng quá mức có thể tiết ra hàm lượng lớn cortisol. Đây là hormone có tác dụng chống lại stress và cũng là nguyên nhân khiến huyết áp cao. Hàm lượng cortisol tăng đột ngột khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động ở mức độ cao để chống lại căng thẳng, kéo theo huyết áp tăng.
Mặc dù cortisol có tác dụng giảm stress nhưng nếu nó tăng cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến cơ thể. Thất tình có thể là một tác nhân và khiến nồng độ cortisol cao hơn.
Hội chứng trái tim tan vỡ
Hội chứng trái tim tan vỡ còn được gọi là bệnh cơ tim Takotsubo, phổ biến hơn ở phụ nữ. Hiện tượng này có thể do sự gia tăng các hormone gây căng thẳng như adrenaline làm tổn thương trái tim tạm thời.
Một số người mắc hội chứng trái tim tan vỡ có thể nhận thấy tương tự như một cơn đau tim. Tuy nhiên, trong khi cơn đau tim xảy ra do tắc nghẽn động mạch ở cơ tim thì hội chứng Takotsubo chỉ là tâm thất trái bị biến dạng. Từ đó chức năng bơm máu của tim giảm.
Hội chứng trái tim tan vỡ thường không ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, có thể chỉ mất vài tuần ngắn ngủi để trái tim phục hồi.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Health Digest)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |