Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng Việt Nam nằm trong "vành đai sỏi" của thế giới.
Sỏi tiết niệu có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiểu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo (ở nam giới). Hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây sỏi tiết niệu, nhưng có một số yếu tố nguy cơ khiến tỷ lệ mắc bệnh cao ở người Việt.
Thói quen uống ít nước, ăn mặn
Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, thời tiết nắng nóng nhiều, nhất là miền Trung. Lượng nước dễ mất qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu. Cơ thể thiếu nước làm lượng nước tiểu ít, cô đặc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tinh thể trong nước tiểu kết tinh thành sỏi.
Nhiều người có thói quen ăn mặn với các món kho, xào, khô, muối chua, mắm... Ăn mặn khiến nước tiểu thải ra nhiều muối, dễ kết tinh thành sỏi. Người dùng quá nhiều chất bổ sung như canxi, vitamin C hoặc D hoặc thường xuyên ăn thịt, nội tạng động vật, hải sản cũng tăng nguy cơ tạo ra sỏi.
Chất lượng nước
Nguồn nước tự nhiên ở các vùng núi đá vôi chứa nhiều khoáng chất, nhất là canxi (nước cứng). Chúng là những nguyên tố hình thành sỏi tiết niệu, sỏi thận. Dù nước được xử lý lọc nhưng có thể không khử được vôi và các khoáng chất này. Người dân các vùng có núi đá vôi thường được khuyến cáo tránh dùng nước giếng đun sôi để nguội, nên dùng nước máy, nước lọc.
Nhiễm trùng tiết niệu
Bác sĩ Cương cho biết nhiều người Việt bị nhiễm trùng đường tiểu, nhất là ở người nhiễm trùng tái phát, mạn tính, làm phân hóa urê và tạo ra tính kiềm trong nước tiểu, gián tiếp tạo ra sỏi. Nhiễm trùng và viêm niêm mạc niệu quản, niệu đạo, bàng quang dễ lắng đọng canxi, oxalate dẫn tới hình thành sỏi.
Nhiễm trùng tiết niệu làm tổn thương tế bào thận, sưng viêm ảnh hưởng tới hoạt động bài tiết. Sỏi tiết niệu hình thành khi một người bị nhiễm trùng đường tiểu kéo dài. Sỏi tiết niệu dễ tác dụng ngược khi sỏi rơi xuống niệu quản có thể gây cơn đau bão thận, khiến bệnh nhân đau dữ dội, tổn thương niệu quản và chảy máu, ứ đọng nước tiểu... dẫn đến nhiễm trùng hệ tiết niệu.
Mắc các bệnh khác
Các bệnh về rối loạn về chuyển hóa gây dư thừa và lắng đọng các chất như canxi, axit uric, cystine... trong nước tiểu, hệ tiết niệu cũng hình thành và tái phát sỏi.
Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh, hẹp niệu quản, bệnh thần kinh bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt khiến nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, thận; huyết áp cao, béo phì, ít vận động cũng tạo sỏi tiết niệu. Người phải cắt bỏ một đoạn ruột dài cũng có nguy cơ khó hấp thu nước, chất điện giải, canxi... dễ hình thành sỏi.
Cơ địa dễ hình thành sỏi
Theo bác sĩ Cương, khoảng 15-20% trường hợp bị sỏi thận có sỏi ở cả hai bên. Những người này có cơ địa hình thành sỏi và tái phát dù tuân thủ chỉ định điều trị, phòng bệnh. Đa số sỏi tiết niệu có tính chất gia đình. Nếu một người bị sỏi thì những người sống cùng nhà như ba mẹ, anh chị em cũng dễ bị bệnh hơn. Yếu tố khác là lối sống và thói quen ăn uống của các thành viên trong gia đình thường giống nhau.
Sỏi cystine là loại sỏi có đặc tính di truyền rõ ràng. Loại này xuất hiện ở người trẻ, tạo thành sỏi san hô, cứng, không cản quang, dễ tái phát.
Bác sĩ Cương cho biết sỏi tiết niệu có thể gây ra nhiều biến chứng như suy giảm chức năng hoặc nhiễm khuẩn ở thận. Bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng. Khi có dấu hiệu tiểu ra máu, tiểu buốt, đau lưng hông dữ dội, người bệnh cần đến cơ sở y tế, có chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán và điều trị.
Hoàng Liên Sơn
Độc giả gửi câu hỏi bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |