BS.CKII Đinh Cẩm Tú, Trưởng Đơn vị Thận nhân tạo, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sỏi thận là nguyên nhân chính gây ra cơn đau quặn thận (cơn đau bão thận).
Sỏi di chuyển theo chiều xuôi, từ thận qua bàng quang đến niệu đạo để đào thải khỏi cơ thể. Nếu sỏi mắc kẹt trong đường tiết niệu, cản trở dòng nước tiểu. Ngoài gây đau, bế tắc đường tiểu, tình trạng này còn làm tăng áp lực và viêm nhiễm hệ tiết niệu.
Vị trí đau phụ thuộc vào vị trí và sự di chuyển của sỏi trong hệ tiết niệu. Triệu chứng điển hình của cơn đau bão thận là đau dữ dội, đột ngột khởi phát từ mạn sườn một bên, lan đến giữa xương sườn dưới và hông. Cơn đau có thể lan ra lưng, bụng dưới hoặc hướng về bẹn. Đau xuất hiện thành từng đợt, thường kèm theo buồn nôn.
Các triệu chứng khác như lượng nước tiểu ít hơn bình thường, đi tiểu gấp, đau khi đi tiểu, có máu trong nước tiểu, nước tiểu đục, có mùi hôi... Người bệnh có thể bị sốt kèm ớn lạnh.
Theo bác sĩ Đinh Cẩm Tú, cơn đau quặn thận có ba giai đoạn. Giai đoạn khởi phát, đau bộc phát lúc sáng sớm hoặc trong đêm, khiến người bệnh thức dậy. Cường độ đau tăng dần và đạt đỉnh điểm sau 30 phút.
Ở giai đoạn ổn định, cơn đau giữ ở mức cực đại từ một đến 4 giờ, lâu nhất 12 giờ. Phần lớn người bệnh phải đến bệnh viện trong giai đoạn này.
Giai đoạn thứ ba, mức độ đau giảm nhanh sau 1-3 giờ, thường sau khi người bệnh được dùng thuốc giảm đau hoặc giảm đau tự nhiên. Sau đó, người bệnh có thể ngủ và cơn đau biến mất khi thức dậy.
Bác sĩ Cẩm Tú cho biết nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời, cơn đau bão thận có thể biến chứng nặng, dẫn đến tử vong. Nhẹ hơn gây ứ nước, ứ mủ, suy thận cấp.
Hầu hết cơn đau bão thận do viên sỏi có kích thước lớn hoặc nằm ở vị trí nguy hiểm, dẫn đến tắc đường dẫn tiểu. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nếu đau bụng kéo dài hàng giờ không nên tự ý mua thuốc uống, cần đến bệnh viện sớm. Người bệnh được điều trị bằng các biện pháp như mổ nội soi, tán sỏi qua da... cần tái khám định kỳ, dùng thuốc sau phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.
Để phòng ngừa sỏi, uống đủ hai lít nước mỗi ngày, giảm ăn mặn, hạn chế protein động vật (thịt bò, hải sản), giảm lượng thức ăn có hàm lượng oxalate cao (các loại hạt, rau cải bó xôi). Nên cung cấp canxi từ thực phẩm như phô mai, đậu lăng và rau lá xanh.
Hoàng Liên Sơn
Độc giả có thắc mắc về bệnh thận gửi câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.