Trước khi nhập viện, ông Nam mệt mỏi nhiều, nước tiểu có lẫn máu ngày càng tăng, uống thuốc không bớt. Ông từng phẫu thuật điều trị phì đại tuyến tiền liệt 5 năm trước.
Ngày 7/8, kết quả chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận người bệnh bị phì đại tuyến tiền liệt, lòng bàng quang lẫn máu. Bệnh nhân cũng bị thiếu máu. ThS.BS.CKII Phạm Thanh Trúc, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, cho biết, nếu không điều trị, bệnh tiến triển có thể gây biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, tổn thương thận và bàng quang, sỏi bàng quang, tiểu máu. Thiếu máu nặng có thể dẫn đến biến chứng tim mạch.
ThS.BS Nguyễn Cảnh Hưng, Đơn vị Can thiệp mạch, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, cho biết sau hội chẩn, bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật can thiệp nút mạch tuyến tiền liệt ít xâm lấn, chỉ cần gây tê tại chỗ.
Thông qua một vết đâm kim nhỏ, bác sĩ luồn hệ ống thông đồng trục và dây dẫn siêu nhỏ vào lòng mạch máu. Sau đó, di chuyển đến mạch máu tăng sinh ở tuyến tiền liệt và bơm vật liệu làm tắc các mạch máu này. Cắt nguồn máu nuôi giúp tuyến tiền liệt không phát triển thêm, teo nhỏ lại theo thời gian. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể giao tiếp với bác sĩ trong lúc can thiệp.
Kỹ thuật này đồng thời xử lý tình trạng tiểu máu, giúp giảm các triệu chứng ở đường tiểu dưới của người bệnh. Sau một ngày, nước tiểu chuyển sang màu vàng trong. Ông Nam xuất viện ngay hôm sau, tiếp tục dùng thuốc điều trị và tái khám.
Theo bác sĩ Hưng, phì đại tuyến tiền liệt thường gặp, tỷ lệ mắc bệnh ở độ tuổi 50 khoảng 50%, 80 tuổi là 80%, biến chứng tiểu máu ở nhóm tăng sản lành tính khoảng 11%. Bệnh có thể không gây triệu chứng cho đến khi nặng, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Phì đại tuyến tiền liệt có thể phát hiện sớm bằng cách tầm soát định kỳ. Tùy từng trường hợp, bác sĩ điều trị bằng nhiều phương pháp như dùng thuốc, phẫu thuật và can thiệp nút mạch xâm lấn tối thiểu.
Ngọc Chi
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi