Một người phụ nữ sẽ có kinh nguyệt mỗi tháng một lần, khoảng cách trung bình khoảng từ 28-30 ngày và một lần diễn ra từ 2-7 ngày. Nếu thời gian giữa các chu kỳ ngắn lại đồng nghĩa với việc việc một tháng có hai kỳ kinh hoặc sẽ ra máu nhiều hơn. Theo TS Lakeisha Richardson - bác sĩ tại Greenville (Mỹ), khoảng 40-60% phụ nữ sẽ phải trải qua tình trạng này trong suốt cuộc đời của họ. Dưới đây là những nguyên nhân khiến tình trạng xuất hiện.
Thuốc tránh thai chứa nội tiết tố
Thuốc tránh thai chứa nội tiết tố có thể giúp ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt bình thường bằng hormone. Tuy nhiên, sự xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể xảy ra khi chị em bỏ thuốc hoặc thậm chí bỏ lỡ một hoặc hai viên. Lúc này, hiện tượng hai kỳ kinh trong một tháng sẽ xuất hiện.
Thay đổi lối sống
Những thay đổi trong thói quen hàng ngày có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và góp phần khiến người phụ nữ có hai kỳ kinh trong một tháng. Một số yếu tố có thể thay đổi chu kỳ kinh nguyệt gồm: căng thẳng, du lịch, tập luyện với cường độ quá sức, thiếu ngủ,..
Theo chuyên gia y tế, những yếu tố trên sẽ làm rối loạn vùng dưới đồi, dẫn đến việc giải phóng hormone căng thẳng (cortisol). Từ đó, dẫn đến thay đổi khả năng điều chỉnh hormone của cơ thể và gây ra hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc thay đổi số lượng máu tiết ra.
Tăng cân hoặc béo phì
Tăng cân nhanh có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng vì quá trình đột biến về cân nặng sẽ dẫn đến sự dao động nội tiết tố. Trong đó có hiện tượng hai kỳ kinh trong một tháng.
Ngoài ra, tình trạng béo phì cũng có mối quan hệ phức tạp với kinh nguyệt. Bởi mức độ cao của chất béo (mô mỡ) có thể làm đảo lộn sự cân bằng của hormone estrogen và dẫn đến dư thừa. Lượng mỡ thừa ở xung quanh bụng là yếu tố làm thay đổi kinh nguyệt nhiều nhất.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô tương tự như mô tử cung phát triển ở những khu vực khác của cơ thể. Người bệnh có thể gây đau bụng, chuột rút, ra máu bất thường. Đôi khi, người mắc bệnh lạc nội mạc tử cung cũng có thể bị chảy máu kèm đau khi rụng trứng. Nguyên nhân do mô có thể dính vào buồng trứng, tạo thành u nang.
Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Việc tiết quá nhiều hoặc quá ít hormone tuyến giáp có thể dẫn đến những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ từ rất nhẹ, nặng cho đến bất thường; chẳng hạn như hai kỳ kinh trong một tháng.
Polyp hoặc u xơ tử cung
Polyp tử cung (hay còn gọi là polyp nội mạc tử cung) là những khối u mềm ở nội mạc tử cung. Chúng có thể nhỏ bằng hạt vừng hoặc lớn hơn quả bóng bàn. Bệnh lý này hiếm gặp ở những người dưới 20 tuổi. Chuyên gia y tế cho biết, cả polyp và u xơ đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Đó là một số hiện tượng gồm: hai kỳ kinh trong một tháng, kỳ kinh dài hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh.
Bệnh viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh truyền nhiễm. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh mắc phải vi khuẩn âm đạo hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs), đặc biệt là chlamydia và bệnh lậu. Triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu sẽ bao gồm: chu kỳ kinh nguyệt không đều, hai kỳ kinh trong một tháng, hoặc ra máu và chuột rút giữa các kỳ kinh.
Ngoài ra, các đợt viêm vùng chậu lặp đi lặp lại có thể gây sẹo trên ống dẫn trứng, dẫn đến đau vùng chậu mãn tính hoặc mang thai ngoài tử cung, vô sinh.
Theo Verywell Health khuyến nghị, tình trạng chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện hai lần trong một tháng không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bất ổn. Tuy nhiên, chị em nên đến bệnh viện trong trường hợp như: tình trạng hai kỳ kinh trong một tháng kéo dài trên 2-3 tháng, thường xyên choáng váng, đau hoặc chảy máu khi quan hệ, ra máu nhiều, đau vùng xương chậu, khó thở, thay đổi cân nặng đột ngột (tăng và giảm nhanh). Bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cần được điều trị.
Huyền My (Theo Medical News Today, Verywell Health)