Trong quá trình mang thai, phụ nữ có thể giảm cân trong ba tháng đầu (tam cá nguyệt đầu tiên) do chán ăn. Theo các chuyên gia, trong giai đoạn đầu của thai kỳ, em bé khá nhỏ, chỉ có nhu cầu về calo và dinh dưỡng tối thiểu. Do đó, hiện tượng giảm cân của người mẹ trong thời gian ngắn không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
Nếu mẹ bầu giảm cân trong giai đoạn đầu của thai kỳ, số cân nặng mất đi sẽ phục hồi khi bước sang tam cá nguyệt thứ hai (tuần thứ 13-17). Nếu mẹ bầu sụt cân bất thường, kéo dài sau tam cá nguyệt đầu tiên cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và thận trọng với tình trạng này.
Ốm nghén là nguyên nhân chủ yếu khiến phụ nữ mang thai giảm cân trong những tháng đầu của thai kỳ. Nghiên cứu về triệu chứng nôn, buồn nôn khi mang thai của các chuyên gia đến từ Đại học Wisconsin (Mỹ) đăng tải trên Science Direct, cho thấy khoảng 70-80% phụ nữ mang bầu có triệu chứng của ốm nghén trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Cơ thể thay đổi nội tiết tố khiến đa số phụ nữ mang thai ốm nghén đều có các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, giảm cảm giác thèm ăn, nhạy cảm với mùi hương... Nếu cố gắng ăn uống đầy đủ, phụ nữ mang thai ốm nghén nhẹ đến trung bình sẽ cải thiện các triệu chứng vào tuần thứ 14 của thai kỳ và bắt đầu tăng cân.

Mẹ bầu thay đổi nội tiết tố dễ ốm nghén dẫn đến sụt cân. Ảnh: Freepik
Trong một số trường hợp, ốm nghén nặng không có biện pháp khắc phục có thể dẫn đến chứng nôn nghén nặng với triệu chứng buồn nôn và nôn liên tục, không thể hấp thụ, tiêu hóa thức ăn như bình thường gây sụt cân khó kiểm soát. Tiến sĩ Chris Han, Trung tâm Y học thai nhi và siêu âm phụ nữ (CFM) (Mỹ), cho biết: "Nếu phụ nữ mang thai nôn liên tục kèm giảm cân vượt quá 5% trọng lượng cơ thể trong thai kỳ cần xét nghiệm để có biện pháp khắc phục sớm".
Ốm nghén nặng thường xuất hiện vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 của thai kỳ, có thể đạt đỉnh vào khoảng tuần thứ 9 đến tuần thứ 13. Đa số phụ nữ nhận hết ốm nghén vào tuần 14-20 của thai kỳ. Nếu tình trạng ốm nghén không cải thiện mẹ bầu cần nhập viện sớm. Hiện chưa có biện pháp ngăn ngừa triệt để triệu chứng nôn do ốm nghén. Phụ nữ nôn nhiều cần hỗ trợ về dinh dưỡng, nghỉ ngơi, mát xa hoặc bấm huyệt thư giãn.
Bên cạnh ốm nghén, chứng rối loạn ăn uống, bệnh lý về đường tiêu hóa, nhiễm trùng, mắc bệnh ung thư, bất thường về thần kinh, rối loạn tâm thần, tuyến giáp hoạt động quá mức, bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán hoặc mắc một số bệnh lý mạn tính là những nguyên nhân tiềm ẩn gây giảm cân ở phụ nữ mang thai.
Các chuyên gia nhận định việc giảm cân bất thường trong thai kỳ có liên quan tới nguy cơ sụt cân khi sinh và sinh non. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), sinh non xảy ra khi em bé chào đời thiếu tháng (trước khi thai kỳ được 37 tuần). Trẻ nhẹ cân khi sinh nhiều nguy cơ gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe.
Nếu người mẹ giảm cân do các bệnh lý có từ trước, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị nhằm ngăn chặn tình trạng sụt cân trong tương lai và bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé. Đặc biệt, phụ nữ mang thai sụt cân cần chủ động lấy lại cân nặng bằng cách chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, bổ sung nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đáp ứng lượng calo cần thiết cho cơ thể.
Khi mang thai, mẹ bầu cần nạp khoảng 340-450 calo mỗi ngày trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba để tăng cân, ăn nhiều thịt, trái cây, các loại hạt, đậu, trứng, sữa... Phụ nữ mang thai cũng nên tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng giúp lập kế hoạch cho từng bữa ăn đảm bảo đủ chất, tạo thói quen ăn uống lành mạnh phù hợp với thể chất, tuổi tác, cân nặng và tình trạng sức khỏe.
Minh Thúy (Theo Very Well Family)