Trả lời:
Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch máu. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, chỉ số huyết áp cao (lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg) có thể gây tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như phình động mạch, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Nếu trước đây chưa từng gặp vấn đề về huyết áp, bạn sẽ ngạc nhiên khi mỗi lần đo, chỉ số huyết áp của mình đều cao hơn mức bình thường (120/80 mmHg). Có một số nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp thoáng qua, bao gồm:
Hội chứng áo choàng trắng: Nhiều người luôn có cảm giác bất an, lo lắng khi bước vào phòng khám và gặp bác sĩ. Khi đó, tim đập thình thịch, khiến chỉ số huyết áp tăng đột biến cao hơn mức bình thường đến 15-20 mmHg.
Để khắc phục tình trạng này, khi đến phòng khám, bạn cố gắng hít thở sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng để bình tĩnh trở lại, từ đó giúp nhịp tim chậm lại và đưa huyết áp về mức bình thường.
Vội vã đến phòng khám: Đôi khi vì sợ trễ giờ hẹn khám, bạn lái xe nhanh, đi bộ vội vã khiến cơ thể mệt lừ, thở dốc. Khi đi bộ nhanh hoặc chạy, nhịp tim tăng lên vì tim phải bơm nhiều máu hơn để cung cấp năng lượng cho cơ bắp. Máu bơm qua hệ thống mạch máu nhiều hơn đồng nghĩa với áp lực lên thành mạch máu cũng tăng. Đây chính là nguyên nhân làm tăng huyết áp.
Để nhịp tim trở lại bình thường, bạn nên ngồi nghỉ trong 15-30 phút trước khi đo huyết áp hoặc cố gắng đến bệnh viện trước giờ hẹn để không phải vội vã mỗi lần đi khám.
Đo huyết áp trong tình trạng nín tiểu: Khi bàng quang đầy, cơ thể báo hiệu giải phóng hormone gây căng thẳng như adrenaline. Nếu không đi tiểu kịp thời, các mạch máu sẽ co lại, có thể làm chỉ số huyết áp cao hơn 15 mmHg so với bình thường.
Uống cà phê hoặc nước tăng lực: Khi sử dụng các loại thức uống chứa caffein như cà phê, nước tăng lực..., cơ thể sẽ sản xuất nhiều adrenaline hơn, làm tăng nhịp tim, khiến mạch máu co lại gây tăng huyết áp. Nghiên cứu cho thấy, với những người thường xuyên uống cà phê, mỗi khi uống huyết áp sẽ tăng khoảng 5 mmHg. Trong khi đó, người thỉnh thoảng mới uống cà phê thì mức tăng lên đến 15 mmHg.
Ngồi bắt chéo chân khi đo huyết áp: Việc ngồi bắt chéo chân sẽ chèn ép tĩnh mạch ở chân, khiến máu dồn xuống đó. Để bù đắp, đảm bảo có đủ máu đến bộ phận khác của cơ thể, tim phải bơm nhiều máu hơn. Điều đó sẽ khiến huyết áp tăng, đôi khi tăng hơn 8 mmHg.
Cơ thể đang bị lạnh: Khi trời lạnh, các mạch máu gần bề mặt da co lại để đưa nhiều máu hơn đến cơ quan bên trong. Điều này giúp giữ ấm các cơ quan quan trọng nhưng đồng thời lại làm mức huyết áp cao hơn bình thường đến 20 mmHg (vì mạch máu co lại sẽ làm tăng áp lực máu chảy qua).
Như vậy, bạn có chỉ số huyết áp cao là do một trong các nguyên nhân trên. Để khắc phục, bạn cần đo huyết áp đúng cách: ngồi nghỉ 15-30 phút trước khi đo; không hút thuốc lá, uống cà phê 2 giờ trước khi đo; giữ ấm cơ thể trước và trong lúc đo. Tư thế đo cần lưu ý, nằm trên giường hoặc ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, tay duỗi thẳng, đặt ngang tim, giữ im lặng trong lúc đo. Bạn cần chọn băng quấn cánh tay phù hợp với kích thước cánh tay.
Bạn có thể dùng máy đo huyết áp cơ hoặc điện tử, đo vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Nếu đã làm theo hướng dẫn trên mà chỉ số huyết áp vẫn cao, có khả năng bạn đã bị tăng huyết áp thật sự. Bạn cần điều chỉnh lối sống: tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ, cắt giảm muối trong khẩu phần ăn, tránh rượu bia, bỏ thuốc lá, giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì... và theo dõi chỉ số huyết áp mỗi ngày.
Nếu huyết áp không về mức bình thường sau 3 tháng thay đổi lối sống hoặc chỉ số ở lần khám đầu tiên trên 160/100 mmHg hoặc có kèm yếu tố nguy cơ tim mạch, bác sĩ sẽ bắt đầu kê thuốc điều trị. Bạn cần khám chuyên khoa Tim mạch để bác sĩ kiểm tra và tư vấn hướng điều trị cụ thể.
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều
Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM