Trả lời:
Người ăn đồ rất lạnh như kem, uống nước đá hoặc đầu đột ngột tiếp xúc với nhiệt độ lạnh thỉnh thoảng có thể xuất hiện đau đầu. Loại đau đầu này gọi là đau đầu do kích thích lạnh, hay còn gọi là "đông cứng não". Cơn đau thường ở trán hoặc cả hai bên thái dương và kéo dài dưới 5 phút.
Triệu chứng của đau đầu do kích thích lạnh có thể bao gồm đau nhói, đau buốt ở vùng đỉnh đầu, đau tăng cực đại trong khoảng 20-60 giây, sau đó giảm và hết. Khi bị đau đầu do ăn lạnh, nhiễm lạnh, người bệnh không cần phải đi khám ngay. Nguyên nhân là do khi tiếp xúc với đồ lạnh đột ngột ở sàn miệng hoặc ở thành sau của họng dẫn đến sự thay đổi lưu lượng máu do co mạch gây ra đau đầu.

Cơn đau nhói, đau buốt ở vùng đỉnh đầu do kích thích lạnh rất khó chịu. Ảnh: Freepik
Khi một chất lạnh chạm vào vòm miệng hoặc phía sau cổ họng khiến các mạch máu nhỏ ở những khu vực đó co lại và sau đó nhanh chóng giãn ra. Các cơ quan cảm nhận cảm giác đau gần các mạch máu sẽ cảm nhận được cảm giác khó chịu và gửi thông điệp dọc theo các sợi thần kinh nhỏ đến một dây thần kinh lớn hơn (dây thần kinh sinh ba), dây thần kinh này chuyển cảm giác đau đến não. Dây thần kinh sinh ba cũng mang tín hiệu đau từ mặt. Bộ não đọc các cảm giác kích thích lạnh đến từ đầu chứ không phải từ miệng, nên gọi là đau đầu.
Đau đầu loại này thường xuất hiện ở người nhạy cảm với lạnh và không phải ai cũng gặp phải. Chúng ta có thể tránh đau đầu do ăn kem bằng cách ăn thức ăn lạnh từ từ, để thức ăn nguội hâm nóng trước khi ăn hoặc ngậm một chút thức ăn nguội trong miệng trước khi tiêu thụ phần còn lại giúp vòm miệng thích nghi. Những cơn đau đầu này có thể được giảm bớt bằng cách ấn lưỡi ấm vào vòm miệng để làm ấm hoặc ngậm đồ uống ấm.
TS.BS. Nguyễn Thị Minh Đức
Trưởng Khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM