Theo Healthline, nhiều người thường bỏ qua việc vệ sinh tai nghe định kỳ. Viêm nhiễm, đau tai, ù tai, nhiễm trùng nấm, nấm men tai là những bệnh tiềm ẩn khi tai tai nghe bẩn.
Theo tiến sĩ Sterling N. Ransone Jr (Chủ tịch Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ), có hai quy trình vệ sinh tai nghe và tai, mọi người cần lưu ý. Thứ nhất, cần làm sạch, khử trùng miếng đệm tai nghe và bất kỳ phụ kiện silicon nào của tai nghe để loại bỏ ráy tai tích tụ, tiêu diệt vi khuẩn có hại. Mặc dù ráy tai tự nhiên giúp bảo vệ đôi tai nhưng nó có thể bị kẹt trong miếng đệm tai, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, giảm chất lượng âm thanh.
Thứ hai, bạn nên thông gió cho ống thính giác bên ngoài (phần giữa tai ngoài và màng nhĩ) bằng cách lau và để khô trước khi sử dụng. "Khi chúng ta bịt kín ống thính giác bằng tai nghe, hơi ẩm sẽ tích tụ và khi độ ẩm tăng lên có thể dẫn đến bị nhiễm trùng như nhiễm trùng nấm, nấm men", tiến sĩ Ransone nói.
Nhiều người cũng thường đeo tai nghe trong lúc tập thể dục, mồ hôi tiết ra sẽ làm tăng độ ẩm ở trong tai, dễ gây bệnh. Sau khi chạy, đi bộ hay tập luyện, bạn nên lấy tai nghe ra để khu vực ống thính giác được khô. Vệ sinh tai nghe giữa các lần sử dụng để tránh các vấn đề liên quan đến sức khỏe tai. Bạn cũng nên làm sạch kỹ thiết bị này khoảng một lần một tuần.
Theo tiến sĩ Ransone, sử dụng tai nghe quá lâu cũng ảnh hưởng đến thính giác. Nếu bạn đeo tai nghe liên tục trong một khoảng thời gian dài (nghe nhạc, cuộc gọi zoom...) thì không đeo nó khoảng 18 giờ để thính giác dịu lại.
Sử dụng tai nghe thường xuyên có thể làm tăng tình trạng mất thính lực ngay cả khi nghe âm thanh ở mức thấp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, khoảng 50 % người từ 12-35 tuổi có nguy cơ bị mất thính giác do tiếp xúc quá nhiều và kéo dài với âm thanh lớn khi nghe các thiết bị nghe cá nhân.
Có nhiều cách vệ sinh tai nghe an toàn tại nhà như dùng khăn mềm, tăm bông hoặc vải tẩm cồn tẩy rửa, giấm nguyên chất để nhẹ nhàng lau sạch ráy tai, mồ hôi hoặc da chết có thể bị kẹt trong các khe. Trước khi đặt lại vào tai, bạn kiểm tra tai nghe để đảm bảo sạch sẽ, không hỏng hóc hay nứt vỡ. Điều này giúp tránh các phần có thể rơi ra làm tổn thương hoặc mắc kẹt trong tai. Khi không sử dụng, bạn cất phụ kiện này ở nơi khô ráo, sạch sẽ.
Mai Cát
(Theo Healthline)