Tai nghe (tai phone) trở nên phổ biến trong thời đại công nghệ số. Tai nghe được sử dụng cho nhiều mục đích riêng tư như nghe nhạc, xem phim, làm việc và học trực tuyến để không gây ồn ào, làm phiền những người xung quanh. Đôi khi đeo tai nghe là do bắt buộc nhưng một số người sử dụng thiết bị âm thanh này như một thói quen. Bởi họ cảm thấy tập trung hơn khi vừa đeo tai nghe vừa làm việc suốt cả ngày.
Để sử dụng tai nghe an toàn, phòng ngừa nguy cơ suy giảm hoặc mất thính lực, ThS.BS Nguyễn Thị Hương, khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến nghị người dùng nên lưu ý xem đã nghe bao lâu và âm thanh lớn đến mức nào. Bạn nên nghỉ giải lao sau những buổi nghe kéo dài và đảm bảo nghe ở mức độ thoải mái. Nếu bạn chuẩn bị tham dự một sự kiện có tiếng ồn lớn kéo dài (chẳng hạn như buổi hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao) hãy mang theo nút tai. Có nhiều thiết bị giúp bảo vệ tai khỏi tiếng ồn lớn mà bạn có thể sử dụng như nút tai bằng bọt xốp hoặc nút tai có đặc tính khử tiếng ồn.
"Nghe ở mức âm lượng 80% trong tối đa 90 phút mỗi lần là nguyên tắc quan trọng giúp bảo vệ cơ quan này. Nếu nghe âm thanh hơn 90 phút, bạn nên giảm âm lượng. Nguyên tắc là nghe càng lâu thì âm lượng càng phải giảm xuống", bác sĩ Hương nói thêm.
Nếu ai đó đứng cách xa một cánh tay có thể nghe thấy âm nhạc phát ra từ tai nghe của bạn hoặc bạn phải nói lớn hơn bình thường để giao tiếp với người khác, có nghĩa là tai nghe đang phát ra âm thanh quá lớn.
Lạm dụng tai nghe là thói quen xấu gây hại. Dùng tai nghe không đúng cách gây suy giảm hoặc mất thính lực dần theo thời gian và sự lão thính sẽ diễn ra sớm hơn so với mốc suy giảm thính lực thông thường do tuổi tác.
Bác sĩ Hương giải thích, tai trong rất nhạy cảm với sự cân bằng của âm thanh mà nó cảm nhận được. Có hàng nghìn tế bào trong tai, một số có cấu trúc nhỏ được gọi là tế bào lông. Tế bào lông có nhiệm vụ truyền âm thanh từ tai trở lại não. Nếu âm thanh quá ồn có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các tế bào này, làm gián đoạn cơ chế truyền âm thanh. Mức âm thanh quá lớn còn làm tổn thương cả sự kết nối giữa tế bào lông và tế bào thần kinh dẫn đến sự gián đoạn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tiếp xúc với mức âm thanh trên 85 dB kéo dài hơn hai giờ có thể gây tổn thương tai; tiếp xúc với âm thanh từ 105-110 dB có thể gây tổn thương sau năm phút. Âm thanh nhỏ hơn 70 dB không có khả năng gây ra bất kỳ tổn thương đáng kể nào cho tai. Vì vậy, mức âm lượng an toàn được khuyến nghị là dưới 70 dB.
Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) đưa ra yêu cầu bảo vệ thính giác cho người lao động có mức phơi nhiễm trung bình 85 dB trong hơn 8 giờ.
Nếu tai bị ảnh hưởng thời gian dài có thể dẫn đến nghe kém, tức giảm sức nghe so với người bình thường (sức nghe trung bình trên 20 dB ở một hay hai tai) gây khó khăn trong giao tiếp. Nghe kém do nhiều nguyên nhân khác nhau như di truyền, viêm tai giữa mạn tính, viêm màng não, thoái hóa dây thần kinh thính giác, điếc đột ngột, chấn thương tai hoặc đầu, tiếp xúc với âm thanh lớn, dùng các loại thuốc gây độc cho tai, nhiễm virus và các bệnh lý về tai khác... Trong đó, tiếp xúc với tiếng ồn từ tai nghe hiện nay là nguy cơ gây suy giảm hoặc mất thính lực trước tuổi già.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 5% dân số thế giới, tương đương 430 triệu người cần được phục hồi chức năng để giải quyết tình trạng mất thính lực, trong đó có 34 triệu người là trẻ em. Ước tính đến năm 2050, hơn 700 triệu người, tức cứ 10 người thì có một người sẽ bị mất thính lực. Gần 80% người nghe kém sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Nguyên Phương