Vảy nến là tình trạng hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, sản sinh nhanh chóng các tế bào da dư thừa, tích tụ trên tai, khuỷu tay, đầu gối, chân, lưng và da đầu. Đôi khi vảy nến xuất hiện trên các bộ phận nhạy cảm của cơ thể.
Các tế bào da khỏe mạnh mất khoảng 28 ngày để sản sinh. Trong thời gian này, cơ thể sẽ loại bỏ các tế bào da cũ, nhường chỗ cho các tế bào mới. Ở người bị vảy nến, cơ thể tạo ra các tế bào da mới trong 3-4 ngày. Tuy nhiên, thời gian này không đủ cho tế bào cũ bong tróc, dẫn đến sự tích tụ các tế bào cũ và mới trên da (tai, đầu, mặt...) với các lớp vảy dày, đỏ hoặc bạc. Những vảy này có thể gây đau, ngứa, nứt nẻ và chảy máu.
Rất hiếm người mắc bệnh vảy nến ở tai. Nếu mắc phải, người bệnh có thể mất tự tin bởi lớp da khô ráp và vảy bám dày trên mặt, trong và xung quanh tai. Theo thời gian, bệnh có thể lan rộng hoặc trầm trọng hơn ở một số người. Nếu vảy và ráy tích tụ bên trong tai có thể dẫn đến tắc nghẽn, gây ngứa, đau và giảm thính lực.
Nguyên nhân và ảnh hưởng
Theo nghiên cứu của Học viện Bác sĩ gia đình Mỹ, bệnh vảy nến không lây lan từ bộ phận cơ thể này sang bộ phận khác khi gãi hay chạm vào, cũng không lây cho người khác khi tiếp xúc. Căng thẳng hoặc vết cắt, vết xước, cháy nắng và các chấn thương da tai khác đều có thể gây ra căn bệnh này. Các bệnh như viêm họng, nhiễm trùng tai, viêm amidan, cảm lạnh khiến hệ thống miễn dịch hoạt động, có thể làm bùng phát bệnh vảy nến. Một số thuốc như cao huyết áp, bệnh tim, viêm khớp, rối loạn sức khỏe tâm thần và sốt rét có thể làm các triệu chứng nặng hơn.
Nghiên cứu của Trung Quốc phát hiện ra rằng, người bệnh vảy nến ở tai có nhiều khả năng điếc đột ngột, thường xảy ra ở người trên 50 tuổi. Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch tăng sinh da thừa làm hỏng một phần của tai trong. Dạng mất thính lực nhanh chóng này có thể xảy ra trong thời gian rất ngắn hoặc kéo dài vài ngày. Một số người bệnh lấy lại một phần hoặc toàn bộ thính giác một cách tự nhiên trong vòng 2-3 tuần. Người bệnh vảy nến ở tai và viêm khớp vảy nến nên kiểm tra thính lực thường xuyên để phát hiện, điều trị sớm các vấn đề về tai.
Điều trị và phòng ngừa
Hiện chưa có phương pháp trị khỏi hoàn toàn vảy nến nhưng có thể kiểm soát bệnh bằng thuốc. Người bệnh vảy nến ở tai cần được chăm sóc và điều trị liên tục để kiểm soát các đợt phát triển vảy dày lên và tránh các biến chứng về thính giác.
Khi bị vẩy nến ở tai bạn có thể áp dụng một số cách điều trị như steroid lỏng ở dạng thuốc nhỏ tai, steroid lỏng kết hợp kem vitamin D, dầu gội đầu trị gàu giúp làm sạch tai và diệt nấm, thuốc làm giảm các hoạt động của hệ thống miễn dịch. Một số loại kem bôi và thuốc mỡ có thể gây hại cho màng nhĩ mỏng manh, không thích hợp dùng cho tai. Người bệnh nên hỏi bác sĩ về các loại thuốc an toàn trước khi điều trị tại nhà.
Nếu vảy nến ở tai cản trở thính giác hoặc gây khó chịu, bạn nên đến bác sĩ để loại bỏ vảy và ráy tai an toàn. Không ngoáy tai hoặc cố gắng tự lấy vảy trong tai bằng tăm bông hay vật cứng vì có thể đẩy mảnh vỡ vào sâu tai gây tắc nghẽn, làm hỏng màng nhĩ hoặc tổn thương da. Tránh các tác nhân gây bệnh càng nhiều giúp kiểm soát bệnh vảy nến tai nói riêng và ở các bộ phận khác nói chung tốt hơn.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)