Th.S, BS. Nguyễn Thụy Song Hà - Khoa Y học thể thao, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, tập thể dục là một trong những hoạt động cần thiết đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em đang trong giai đoạn phát triển. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chiều cao của con người được quyết định chủ yếu bởi gen di truyền, dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi, môi trường sống.
Đối với trẻ em, sự tăng trưởng được điều chỉnh bởi 2 hormone là hormone tăng trưởng (HGH) và yếu tố tăng trưởng giống Insulin-1 (IGF-1). Hai loại hormone trên kiểm soát phần lớn các hoạt động chính của cơ thể bao gồm tái tạo mô, thay thế tế bào, phát triển tế bào cơ - xương, kích thích hoạt động của sụn tăng trưởng ở đầu cuối các xương, do đó làm tăng chiều cao tổng thể.
Hormone tăng trưởng HGH được tiết ra trong máu thường xuyên dao động trong ngày, chịu ảnh hưởng của IGF-1, đặc biệt HGH tiết ra nhiều nhất, đạt đỉnh điểm sau khi hoạt động thể chất mạnh và khi ngủ sâu.
Sự tăng trưởng, phát triển chiều cao của trẻ em diễn ra mạnh nhất trong 2-3 năm đầu đời, tăng tốc trở lại vào giai đoạn dậy thì (thường bắt đầu vào khoảng 8-13 tuổi đối với nữ và 9-15 tuổi đối với nam), sau đó giảm tốc độ sau khoảng 4 năm kể từ khi bắt đầu dậy thì. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sụn tăng trưởng vẫn còn phát triển, thì sự tăng trưởng có thể kéo cho đến 20-21 tuổi đối với nữ và 22-24 tuổi đối với nam.
Trên thực tế, trẻ em hiện nay được tiếp cận khoa học công nghệ từ rất sớm, dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử dẫn đến các hoạt động vận động thể chất giảm đi khá nhiều, điều này có thể dẫn đến nguy cơ béo phì, tim mạch, giảm khả năng phát triển chiều cao tối ưu.
Bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà thông tin thêm, nhiều phụ huynh cho rằng lượng vận động của bé đã phù hợp khi chơi ở nhà, khi đi học ở trường lớp. Ba mẹ cũng thường nghĩ rằng trẻ sẽ hình thành các kỹ năng vận động một cách tự nhiên khi "đến tuổi" và chưa nắm được các vấn đề quan trọng như vận động bao nhiêu là đủ, vận động có giúp được phát triển trí não không. Vì vậy, rất nhiều người chỉ chú trọng vào dinh dưỡng, bỏ quên mất yếu tố môi trường, sức khỏe thông qua vận động.
Trên thực tế, mặc dù trẻ có thể tự hình thành các kỹ năng vận động nhưng chỉ ở mức độ thấp. Vì vậy, trẻ cần được thực hành, cần dạy vận động như thế nào cho đúng, hướng dẫn chơi những trò chơi như thế nào để phát triển toàn diện các khả năng cũng như tố chất, góp phần phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần.
Lợi ích của vận động đối với phát triển chiều cao
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tác động tích cực của hoạt động thể chất đối với sức khỏe xương, đặc biệt là hàm lượng khoáng chất xương, mật độ xương. Trẻ em và thanh thiếu niên hoạt động thể chất tích cực có hàm lượng khoáng chất, mật độ xương cao hơn so với các trẻ khác. Do đó, vận động nhiều sẽ giúp cho cơ bắp, hệ thống dây chằng và khớp phát triển, kích thích sụn tăng trưởng, tạo điều kiện cho xương phát triển dài ra, chắc khỏe.
Ngoài ra, thường xuyên vận động thể chất sẽ giúp trẻ tăng cường hoạt động của hệ tuần hoàn và trao đổi chất, kích thích sự thèm ăn, giúp lợi khuẩn đường ruột hoạt động tốt hơn, góp phần giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.
Thời kỳ dậy thì là giai đoạn phát triển quan trọng. Khoảng 26% hàm lượng khoáng chất trong xương người trưởng thành được tích lũy trong 2 năm xung quanh thời gian xương phát triển nhanh nhất. Sự gia tăng khoáng chất góp phần tăng cường mật độ xương. Khoáng chất tích tụ trên bề mặt quanh xương, giúp phát triển bề ngang của xương. Tăng bề ngang xương cũng góp phần tăng cường độ chắc khỏe của xương.
Lợi ích của vận động đối với phát triển trí não
Ngoài giúp trẻ tăng chiều cao, phát triển về thể chất, vận động còn là yếu tố quan trọng giúp trẻ có một trí não tốt, nhanh nhạy. Vận động kích hoạt não bộ nâng cao sự phối hợp kỹ năng lắng nghe và khả năng diễn đạt, cung cấp oxy, nước, glucose cho não, giúp tối ưu hóa hiệu suất của não.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, vận động thường xuyên còn giúp cải thiện cảm xúc, quá trình nhận thức, trí nhớ, kích thích sự phát triển của các mạch máu não, tăng cường giao tiếp qua các liên hợp thần kinh, giảm stress, tăng cường trí nhớ và khả năng học tập.
Một số lưu ý về chế độ vận động, rèn luyện của trẻ nhỏ
Vận động là hoạt động thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của trẻ, tuy nhiên để hoạt động này diễn ra một cách hiệu quả nhất, cha mẹ cần phải chú ý một số điểm sau:
Giữ tỷ lệ mỡ của cơ thể xuống mức thấp: tỷ lệ mỡ cao sẽ cản trở việc sản xuất hormone tăng trưởng.
Tránh nạp đường và thực phẩm ngọt, đặc biệt trước khi ngủ hoặc tập luyện: lượng đường máu cao sẽ làm tăng nồng độ insulin, ức chế việt tiết hormon tăng trưởng HGH.
Ăn những thực phẩm chứa các acid amin và các amino acid hỗ trợ tăng hormone tăng trưởng: các sản phẩm từ sữa, đậu nành, thịt, cá, các loại đậu, dứa...
Tập các bài tập vận động phát triển thể chất thường xuyên, tránh các bài tập gây kiệt sức. Các bài tập phải được thiết kế với chương trình tập khoa học, phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển sinh lý của trẻ.
Cha mẹ nên hiểu tầm quan trọng của hoạt động thể chất và thúc đẩy các kỹ năng vận động bằng cách tạo cơ hội cho trẻ hoạt động thể chất:
Trẻ dưới 5 tuổi khuyến khích nên có lối sống năng động, tham gia hoạt động vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày và không nên vận động ít hơn 60 phút 1 lần
Trẻ mẫu giáo cần được khuyến khích để phát triển năng lực về các kỹ năng vận động cơ bản, tạo nền tảng cho kỹ năng vận động và hoạt động thể chất trong tương lai. Trẻ phải được tiếp cận với các khu vực trong nhà và ngoài trời đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn được khuyến nghị để thực hiện các hoạt động vận động thô như chạy nhảy, leo trèo...
Trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 đến 17 tuổi nên thực hiện các hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh hơn 60 phút (1 giờ) hàng ngày. Ngoài ra, trẻ nên tham gia một loại hình thể thao bài bản thích hợp như bơi lội, đá bóng, võ, đánh cầu,....và duy trì ít nhất 60 phút/tuần (đối với trẻ 5-10 tuổi), 90 phút/tuần (đối với trẻ trên 10 tuổi).
Theo các chuyên gia, cuộc đời mỗi con người đều gắn liền với những giai đoạn quan trọng như: 6 năm đầu đời, tiền dậy thì, dậy thì và trưởng thành. Từng giai khác nhau có các đặc điểm phát triển thể chất và trí não khác nhau. Đặc biệt là các giai đoạn trước tuổi dậy thì được coi là giai đoạn "vàng" trong tiến trình phát triển của trẻ.
Sự phát triển thể chất, kỹ năng vận động trong những năm đầu đời của trẻ quan trọng. Để đánh giá trẻ có phát triển toàn diện, đúng hướng hay không, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của bé, dạy con tập luyện đúng cách. Bên cạnh đó, phụ huynh nên tham khảo ý kiến chuyên gia để tối ưu trong việc giúp trẻ phát triển hoàn thiện về thể chất, trí não.
Lan Hồ