Trả lời:
100 ml nước dừa có chứa khoảng 93 g nước, 18 kcal, 0,22 g chất đạm, 3,92 g đường, 7 mg canxi, 0,03 mg sắt, 6 mg magie, 5 mg phốt pho, 26 mg natri, 165 mg kali...
Tất cả đồ uống chứa đường đều có thể làm tăng đường huyết và nước dừa cũng không ngoại lệ. Do đó, bạn không uống quá nhiều nước dừa cùng một lúc. Bạn dùng một lượng vừa phải dưới 200 ml giúp giải khát, hạ nhiệt và bổ sung thêm nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết. Khi uống nước dừa, bạn cần tính tổng lượng đường tiêu thụ trong ngày từ các thực phẩm khác để không vượt quá mức.
Nếu lượng đường trong máu đang cao, bạn không nên uống nước dừa, chỉ uống khi đường huyết đang ổn định. Không cho thêm đường, thạch, mứt vào nước dừa. Ưu tiên dừa tươi, hạn chế dừa đóng chai bởi có thể có chất bảo quản, đường bổ sung. Người bị suy thận mạn không nên uống nước dừa vì trong nước dừa có chứa kali, không có lợi cho sức khỏe.
Người bệnh tiểu đường bị tăng đường huyết mạn tính không kiểm soát đường huyết đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng. Mục đích điều trị là đưa đường huyết về ngưỡng ổn định. Ngoài thuốc, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều người bệnh chưa hiểu rõ về dinh dưỡng tiểu đường dẫn đến quản lý chế độ ăn không phù hợp.
Hầu hết thực phẩm đều chứa đường với các hàm lượng khác nhau. Người bệnh không phải kiêng hết các thực phẩm bột đường mà nên cân đối tổng lượng đường ăn vào trong một ngày. Để biết một ngày cần bổ sung bao nhiêu đường và tinh bột (glucose, fructose, carbohydrate...), người tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường.
Dựa trên tính chất công việc, chiều cao cân nặng, bác sĩ tính toán kết quả phù hợp. Người bệnh nên nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý, hiểu rõ nguyên nhân gây tăng đường huyết và kịp thời điều chỉnh để tránh biến chứng.
ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |