Uống quá nhiều rượu bia trong thời gian dài tăng nguy cơ ngộ độc rượu, căng thẳng thần kinh, không tỉnh táo. Sử dụng rượu bia trong thời gian dài còn làm tổn thương lớp niêm mạc miệng, thực quản, dạ dày, đại trực tràng. Dấu hiệu ảnh hưởng ban đầu là đầy hơi, khó chịu, tiêu chảy, táo bón, nặng hơn có thể xuất huyết đường tiêu hóa.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý 5 bệnh mà người lạm dụng rượu bia có thể mắc phải.
Trào ngược axit: Uống rượu làm tăng trào ngược axit, gây ợ nóng, đắng miệng, khó chịu vùng thượng vị. Nếu không được kiểm soát, trào ngược lâu ngày dễ chuyển nặng, tiến triển thành viêm loét thực quản, bệnh barrett thực quản hoặc ung thư thực quản.
Tiêu chảy: Đường ruột có các vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) và vi khuẩn gây hại. Rượu bia phá vỡ sự cân bằng bình thường này, làm tăng vi khuẩn gây viêm và kích ứng đường ruột, đồng thời giảm lợi khuẩn hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.
Đường ruột có quá nhiều vi khuẩn xấu có thể dẫn đến viêm ruột, gián đoạn hoạt động và quá trình sản xuất men tiêu hóa trong dạ dày, khiến thức ăn khó tiêu hóa, tiêu chảy, cản trở khả năng hấp thụ dinh dưỡng.
Viêm dạ dày: Uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, viêm dạ dày hay các tình trạng nghiêm trọng hơn như loét dạ dày, viêm teo mạn tính ở dạ dày, ung thư dạ dày.
Tổn thương gan: Rượu bia khi vào cơ thể được hấp thụ ở đường tiêu hóa, 90% lượng cồn đi thẳng vào gan, chỉ khoảng 10% lượng cồn từ rượu bia được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi và khí thở.
Lượng cồn được gan xử lý và giải độc trước khi đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, khả năng xử lý độc tố ở gan có giới hạn, nếu lượng cồn nạp vào cơ thể quá nhiều trong thời gian ngắn dễ tổn thương tế bào gan, thúc đẩy quá trình viêm.
Rượu bia chuyển hóa ở gan lưu trữ dưới dạng chất béo, chất béo tích tụ lâu ngày dẫn đến gan nhiễm mỡ. Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ do rượu bia thường không có triệu chứng và thường phát hiện ở giai đoạn nặng như suy gan, xơ gan, ung thư gan. Khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng, điều trị rất khó, tiên lượng xấu.
Bác sĩ Hoài Phương lưu ý bệnh gan nhiễm mỡ có thể cải thiện được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, thay đổi lối sống như giảm hoặc không uống rượu bia, ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất giúp giảm lượng chất béo trong gan.
Tổn thương tuyến tụy: Tuyến tụy là tuyến nằm sau dạ dày và ruột non, có chức năng tiết các enzyme tiêu hóa vào ruột non để tiêu hóa thức ăn, đồng thời tiết insulin vào máu. Những hormone này giúp cơ thể kiểm soát sử dụng thức ăn, tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động. Rượu bia có thể làm tổn thương tuyến tụy, dẫn đến viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính.
Bác sĩ Phương cho biết viêm tụy do rượu thường gặp nhất ở người uống 4-5 ly mỗi ngày trong hơn 5 năm. Người uống nhiều rượu và hút thuốc có nguy cơ cao hơn. Điều trị viêm tụy do rượu gồm truyền dịch tĩnh mạch và điều chỉnh rối loạn điện giải, bệnh nhân nhịn ăn tạm thời trong giai đoạn bệnh cấp tính. Một số trường hợp nặng có thể phải lọc máu hay phẫu thuật. Người bệnh phải bỏ rượu bia để tránh viêm tụy tái phát.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |