Men gan là các loại enzym xúc tác các phản ứng chuyển hóa, các men AST, ALT, ALP, GGT chiếm tỷ lệ cao trong gan. Tế bào gan bị hủy hoại quá mức phóng thích các men này vào máu gây tăng men gan.
Men gan tăng cao thường là dấu hiệu cảnh báo viêm gan cấp, hôn mê gan, viêm gan mạn tính, viêm tụy... Nếu không được kiểm soát kịp thời, nồng độ men cao dễ làm bệnh tiến triển nặng, nguy hiểm.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết uống nhiều nước ngọt có ga dễ tăng men gan. Nước ngọt có ga chứa nhiều đường, khoảng 10,6 g đường trong mỗi 100 ml; 100 ml nước tăng lực có khoảng 8,7 g đường. Uống một lon nước ngọt 330 ml tương đương nạp vào cơ thể 29-35 g đường. Trong khi Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo mỗi ngày nữ giới trưởng thành không nên ăn quá 25 g đường, nam giới không tiêu thụ hơn 36 g đường.
Người mắc bệnh về gan thường xuyên sử dụng loại đồ uống này tạo gánh nặng lên gan, khiến cơ quan này phải làm việc vất vả hơn, dễ tăng men gan, lâu dần có thể dẫn đến ung thư.
Gan dễ dàng hấp thụ nhiều đường có trong loại đồ uống này, sau đó chuyển đổi thành chất béo, tích tụ mỡ trong gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ và làm men gan tăng cao. Các hậu quả sức khỏe kèm theo là nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì...
Tăng men gan còn xảy ra do một số bệnh như nhiễm virus viêm gan A, B, C, D, E, người bệnh gan nhiễm mỡ, thừa cân, tiểu đường. Lối sống thiếu khoa học; chế độ dinh dưỡng mất cân bằng; tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, giàu chất béo; lạm dụng rượu, bia cũng là nguyên nhân.
Triệu chứng tăng men gan bao gồm chán ăn, nước tiểu sẫm màu, tức nặng hạ sườn phải, buồn nôn, vàng da, đau bụng, lách to, báng bụng, sốt nhẹ. Các dấu hiệu không rõ ràng khi tăng men gan ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.
Xét nghiệm chỉ số men gan mới xác định được tình trạng men gan cao. Trường hợp chỉ số cao quá mức, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Khanh khuyên hạn chế uống rượu, bia, các loại nước ngọt có ga. Mỗi tuần chỉ nên uống tối đa dưới 350 ml, tức khoảng một chai nước ngọt, nhưng tốt nhất là không uống để bảo vệ gan. Bỏ thuốc lá nhằm giảm tải chất độc cho gan. Tập thể dục đều đặn hỗ trợ tăng cường trao đổi chất, tiêu hao năng lượng thừa, hạn chế mỡ tích tụ trong gan, đồng thời kích thích cơ thể giải độc tự nhiên thông qua mồ hôi.
Ăn nhiều rau củ quả để cung cấp vitamin, chất xơ và các sắc tố carotenoid. Các loại rau như cải xanh, cải xoăn, bắp cải, súp lơ trắng, hành tây, bơ, chanh, bưởi... hỗ trợ trung hòa độc tố, thúc đẩy gan tự tái tạo, chữa lành, từ đó hạ men gan.
Giảm cân nếu thừa cân cũng góp phần hạ men gan. Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là cách kiểm soát men gan và duy trì cơ thể khỏe mạnh.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |