Bà Oanh nói rằng, năm 2021, khối u chỉ là nốt nhỏ như hạt đậu xanh, không đau, không ảnh hưởng sinh hoạt nên không đi khám. Bà bắt đầu ăn gạo lứt muối mè, uống 100 ml nước mỗi ngày. Tuần trước, bà đi trong nhà bỗng ngã khuỵu, đau đớn dù không có vật tác động. Gia đình đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. BS.CKI Phan Tuấn Trọng (Khoa Cấp cứu) tiếp nhận người bệnh trong tình trạng da xanh xao, tái nhợt, sạm đen, chân trái đau nhức, không cử động được.
Kết quả siêu âm ngực và chụp X-quang chân bị đau cho thấy, ngực trái có khối u 6 cm, xương đùi trái gãy kín 1/3. Người bệnh được phẫu thuật, cắt đoạn xương khoảng 3 cm. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bà bị gãy chân do di căn từ khối u ở ngực. Các bác sĩ tiếp tục lắp khoảng trống xương đùi bằng xi măng sinh học, giúp người bệnh vận động đùi và khớp háng trái bình thường.

Người bệnh được chăm sóc sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Trọng cho biết, đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, di căn đến phổi, gan, não, xương do tự điều trị bằng các biện pháp dân gian như ăn gạo lứt muối mè, uống nước lá cây... như bà Oanh.
PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường (Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, bà Oanh đã lỡ cơ hội điều trị trong suốt hai năm qua. Nhiều người nghĩ ung thư là dấu chấm hết. Thế nhưng nhiều trường hợp ung thư vú như bà Oanh nhờ phát hiện sớm đã được điều trị khỏi bệnh. Thậm chí, sau điều trị, người bệnh được bác sĩ tái tạo ngực rất đẹp, có cuộc sống như người bình thường.
Bác sĩ Cường giải thích, bà Oanh ăn gạo lứt muối mè không thể "bỏ đói" tế bào ung thư, ngược lại còn khiến cơ thể suy kiệt, không còn sức khỏe. Bởi tế bào ung thư phát triển không kiểm soát, chúng tìm cách tăng sinh mạch máu qua những mô xung quanh, tăng cường thu hút chất dinh dưỡng. Khối u tăng trưởng phụ thuộc vào độ ác tính của tế bào. Ăn uống kiêng khem không làm giảm sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Do đó, dù người bệnh ăn nhiều hay ít, tế bào ung thư vẫn liên tục phát triển. Nếu ăn thiếu chất dinh dưỡng, khối u vẫn lớn, còn cơ thể người bệnh lại suy kiệt.
Hơn nữa, mỗi ngày một người bình thường cần 1-2 lít nước cho nhu cầu trao đổi chất trong cơ thể. Uống quá ít nước, chỉ 100 ml mỗi ngày khiến thận không thải được chất độc, cơ thể suy giảm miễn dịch. Trong khi đó, người bệnh ung thư cần uống đủ nước và ăn đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng.
Bác sĩ Cường chia sẻ thêm, ung thư vú có 2 dạng: bản chất sinh học "dữ" và bản chất sinh học "hiền hòa". Với người bệnh ung thư vú có bản chất sinh học "dữ", các tế bào ung thư ở giai đoạn muộn thường di căn đến não, gan, phổi... Trong khi với ung thư vú có bản chất sinh học "hiền hòa" thường di căn đến xương; nếu được điều trị từ các giai đoạn sớm sẽ có tiên lượng tốt. Nhiều người bệnh bị ung thư vú có bản chất sinh học "dữ", dù di căn lên não, gan, phổi... vẫn kiên trì điều trị. Sự tiến bộ của các phương pháp điều trị giúp bác sĩ tiên đoán chính xác, nâng cao hiệu quả. Ung thư giai đoạn 0, tỷ lệ sống sau 5 năm gần như 100%. Vói các giai đoạn sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 99%, giai đoạn 3-4 lần lượt là 80-86%, 25-30%.
Bác sĩ Hùng Cường khuyên người dân nên khám tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời, kéo dài tuổi thọ. Người phát hiện trên ngực hay cơ thể có khối u, vết loét không lành, chảy máu bất thường... nên khám bác sĩ chuyên khoa.
Nguyễn Trăm