Trả lời:
Người bệnh ung thư phải hóa trị tác động đến tế bào ung thư và ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh. Tế bào nang lông cũng bị ảnh hưởng khiến tóc, lông mi, lông mày và lông trên cơ thể rụng, nhưng hầu hết trường hợp không phải vĩnh viễn.
Sau 4-6 tuần hoàn thành hóa trị, lông, tóc bắt đầu mọc lại, kết cấu có thể khác với tóc trước đây. Tóc có thể thẳng, xoăn hoặc đen, bạc màu so với trước khi điều trị.
Sau khoảng 12 tháng, tóc đủ dài để chải và tạo kiểu. Khi tóc dài, tình trạng da đầu không còn mẫn cảm (dễ bị kích ứng với hóa chất gây ngứa, nổi mẩn đỏ... ). Lúc này phụ nữ mắc ung thư vú vẫn có thể nhuộm tóc với những gam màu yêu thích.
Nhuộm tóc không ảnh hưởng đến sức khỏe người ung thư vú. Tuy nhiên, người bệnh không nên nhuộm thường xuyên vì dễ làm tóc khô, xơ, chẻ ngọn, gãy rụng. Người có làn da dễ mẫn cảm nhuộm tóc có thể gây viêm da kích ứng như đỏ, rát, bong tróc da, ngứa, sưng nề da đầu, mụn nước, mụn mủ.
Nguy cơ gây ung thư có thể xảy ra nếu nhuộm tóc bằng loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thành phần, chất lượng. Phụ nữ nên chọn sản phẩm uy tín, thành phần tự nhiên. Thời gian nhuộm nên cách nhau khoảng 6 tháng, tránh để thuốc nhuộm tiếp xúc vào chân tóc gây dị ứng da. Người bệnh nên trao đổi với người nhuộm để kiểm tra phản ứng của da đầu với thuốc nhuộm.
Bác sĩ khuyến khích người bệnh chăm sóc sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần để chữa bệnh, tránh suy giảm sức khỏe tổng thể.
BS.CKI Trần Thị Ngọc Bích
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |