BS.CKI Đỗ Anh Tuấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng ung thư vú phổ biến ở phụ nữ, nam giới mắc ung thư vú ít gặp hơn, tỷ lệ khoảng 1%. Theo số liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, mỗi năm có khoảng 2.800 trường hợp nam giới ở nước này mắc bệnh ung thư vú. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể. Tuy nhiên nam giới mắc bệnh ung thư vú thường được chẩn đoán muộn, tỷ lệ tử vong cao.
Một nghiên cứu năm 2019 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Vanderbilt, Mỹ, dựa trên dữ liệu tử vong của 1,8 triệu phụ nữ và 16.000 nam giới mắc bệnh ung thư vú cho thấy bệnh nhân ung thư vú ở nam giới có tỷ lệ tử vong cao hơn 19% so với phụ nữ. Tuy nhiên, ở từng giai đoạn, tỷ lệ sống sót giữa nam và nữ là tương tự nhau.
Ung thư biểu mô ống xâm lấn chiếm khoảng 90% tổng số ca ung thư vú ở nam giới. Các loại ung thư khác là u tủy, u nhú và tiểu thùy.
Theo bác sĩ Tuấn, hiện chưa rõ nguyên nhân gây ung thư vú ở nam giới, tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ là thay đổi nồng độ hormone và mang gene đột biến.
Mức độ hormone: Các yếu tố làm mất cân bằng nồng độ nội tiết tố estrogen và progesterone trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú.
Đột biến gene: ADN là chất hóa học trong tế bào tạo nên gene của mỗi người. Những thay đổi nhất định trong ADN có thể khiến các tế bào bình thường trở thành ung thư. Có hai loại đột biến ADN gây ung thư vú ở nam giới là đột biến gene mắc phải (thường xảy ra trong quá trình sống) và đột biến gene di truyền BRCA1-2.
Một người di truyền gene đột biến từ cha hoặc mẹ có khả năng phát triển ung thư vú cao hơn người bình thường. Nam giới bị đột biến gene BRCA1-2 di truyền có nguy cơ mắc thêm các bệnh ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tụy.
Bác sĩ Tuấn cho biết ung thư vú ở nam giới ít gặp nên không được khuyến cáo khám sàng lọc thường xuyên. Nam giới trên 50 tuổi có bất thường ở ngực nên đến bác sĩ chuyên khoa Ngoại Vú khám sớm để loại trừ ung thư. Nam giới trên 35 tuổi có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú cần được tư vấn về di truyền.
Để kiểm tra, bác sĩ khoa Ngoại Vú hỏi về tình trạng sức khỏe, tiền sử gia đình, chỉ định chụp nhũ ảnh, siêu âm. Nếu phát hiện bất thường nghi ngờ ung thư, bác sĩ tiếp tục sinh thiết vú.
Phương pháp điều trị ung thư vú ở nam giới giống như ở nữ giới, bao gồm phẫu thuật, dùng liệu pháp nội tiết hỗ trợ, hóa trị hoặc xạ trị. Với u kích thước lớn, phát triển nhanh, người bệnh có thể được hóa trị hoặc dùng liệu pháp nội tiết trước khi phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, các liệu pháp hỗ trợ giúp giảm nguy cơ tái phát và loại bỏ bất kỳ tế bào ung thư còn sót lại trong ngực hoặc các nơi khác trong cơ thể. Bác sĩ chọn liệu pháp hỗ trợ phụ thuộc vào giai đoạn, đặc điểm ung thư, sức khỏe của người bệnh.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |